"Hãy yêu quý chính bản thân mình, đừng trở thành cái bóng vì người khác"

19:20, 21/03/2017
|

(VnMedia) - “Năm 15 tuổi, tôi mong ước trở thành thầy giáo vì muốn được đứng trên bục giảng và được học trò ngưỡng mộ. Năm 35 tuổi, từ Mỹ về, tôi từ chối vị trí CEO tại 01 tập đoàn và trở thành thầy giáo vì tôi muốn là một phần trên con đường sự nghiệp của các em. Tôi muốn giúp sinh viên của tôi được đánh giá cao và hạnh phúc được là chính mình” - Đó là những chia sẻ của Thạc sỹ Dương Trần Minh Đoàn - Phó Hiệu Trưởng Cao Đẳng Việt Mỹ gửi đến học sinh lớp 12 khi đứng trước boăn khoăn chọn trường, chọn ngành.

“Trong gần 15 năm đi làm cho các doanh nghiệp, trong những đợt tuyển dụng của công ty, tôi gặp khổ sở không ít với các em ứng viên cũng như nhân viên mới. Tôi nhận thấy nhiều em có năng lực nhưng thiếu đam mê vì định hướng nghề nghiệp không đúng khi chọn ngành học. Một số em thiếu kiến thức thực tế do lựa chọn cấp bậc học không phù hợp, đa phần không được trang bị các kỹ năng sống cần thiết nên khó hòa nhập với môi trường làm việc” - thầy Đoàn chia sẻ. Và từ một quản lý kế toán - tài chính, thầy Đoàn trở thành giảng viên với mong muốn tiếp cận và hỗ trợ sinh viên từ lúc còn trên giảng đường.

Rèn luyện kỹ năng sống vì chính bản thân mình

Là Giám đốc chương trình BTEC, thầy Đoàn đã từng bước triển khai việc nâng cao thực hành và trang bị kỹ năng cho sinh viên. Tôi bắt đầu bằng cách dạy các em thiền. Ở nước ngoài, bộ môn thiền đã được đưa vào giảng dạy tại rất nhiều trường từ mẫu giáo cho đến đại học, đã giúp thay đổi tích cực tâm lý của nhiều học viên. Thầy Đoàn đã có cơ hội thực hành phương pháp này, nhận được nhiều ích lợi và rất hạnh phúc hướng dẫn lại cho học trò của mình. Các em được hướng dẫn cảm nhận hơi thở của chính mình, sống với thực tại, lắng nghe chính mình để biết mình muốn gì, mong đợi gì trong cuộc đời này. Quan trọng hơn là giúp các em có thể hiểu được chính mình và thiết lập mục tiêu cá nhân. Khi các em hình dung rõ hơn con đường của mình thì việc học gì, làm gì sẽ nhẹ nhàng và hạnh phúc.

Thầy Đoàn (ngồi giữa) cùng các học sinh tham gia những buổi trà thiền
Thầy Đoàn (ngồi giữa) cùng các học sinh tham gia những buổi trà thiền

Và thầy đã hướng dẫn các em cách yêu quý bản thân mình, cách xây dựng hình ảnh cá nhân từ diện mạo, quần áo, hành vi, cách đi thang máy, cách mở cửa, cách xếp hàng,… để tăng cơ hội thành công trong cuộc sống. Tôi không yêu cầu các em giữ hình ảnh cho Việt Mỹ hay cho đất nước này, tôi chỉ cho các em thấy ích lợi đối với các em khi lịch sự, văn minh. Những việc tưởng đơn giản mà ai cũng biết như chào hỏi, bắt tay, soạn e-mail theo chuẩn chuyên nghiệp, tạo chữ ký trong email, sử dụng máy photocopy, cách nghe điện thoại,…là những việc mà tôi và đồng nghiệp truyền đạt theo cách thực tế. Chúng tôi rèn luyện theo hướng kết nối rõ với lợi ích của các em, chỉ cho các em thấy kết quả tốt nếu làm đúng và hậu quả không tốt nếu làm không đúng. Khi các em hiểu rõ hơn lợi ích mật thiết với bản thân thì các em sẽ ghi nhớ và thực hành với ý thức rõ ràng, không máy móc. Thay đổi ý thức của các em trước, mọi sự sẽ thay đổi theo là điều chúng tôi đã làm và đã có kết quả.

Chọn khác biệt - chọn thành công

Khi thầy Đoàn bắt đầu làm việc cho trường cao đẳng nghề, nhiều chuyện bi hài diễn ra. Rất nhiều phụ huynh hiểu sai về nghề, các em thì càng không biết sự khác biệt của trường nghề với các loại hình khác. Mọi người sợ học nghề, coi thường học nghề. Mọi người khi nghe đến nghề thì nghĩ ngay đến thợ xây dựng, gò, hàn, cắt, tiện, sửa chữa xe máy,… trong khi nghề (vocation) là cấp bậc học quan trọng. Với thời lượng thực hành chiếm từ 60%-70% trong chương trình học, mục tiêu giúp người học có thể làm được những công việc cụ thể: kế toán, marketing, lễ tân khách sạn, phục vụ nhà hàng, hướng dẫn du lịch, tổ chức sự kiện, dịch thuật văn bản…

Sinh viên học ngay từ chính những hoạt động cùng nhau

Học nghề ở đây không phải là làm việc tay chân, nghề ở đây là nghề nghiệp, là học ứng dụng kiến thức và kỹ năng vào công việc cụ thể, không đi sâu vào các lý thuyết và nghiên cứu. Học nghề mang lại cho người học nhiều cơ hội việc làm vì thời gian học ngắn, thực hành nhiều nên kỹ năng ứng dụng cao. Trong khung trình độ quốc gia 8 bậc của Việt Nam thì cấp độ 1-5 gồm trình độ trung cấp, cao đẳng là cấp độ đào tạo nghề nghiệp, đại học là cấp độ 6, thạc sỹ là cấp độ 7 và tiến sỹ là cấp độ 8. Tất cả các cấp độ đều là một phần trong thang cấp độ giáo dục quốc gia (tương tự hệ thống giáo dục của Anh Quốc). Mỗi cấp bậc có yêu cầu riêng và các bậc học hoàn toàn có thể liên thông với nhau theo định hướng học tập của học viên. Việc lựa chọn cấp độ học phụ thuộc vào mục tiêu của người học và các điều kiện khác như thời gian, mong muốn, tài chính và không có lý do gì để tự ti hay lo lắng vì học trung cấp, cao đẳng hay thua kém đại học.

Phần thưởng cho thầy cô dám chọn sự khác biệt để dạy nghề là nhìn thấy sinh viên của mình trưởng thành và tự tin lập nghiệp sớm. Đó là nụ cười rạng rỡ của các em khi đến lớp, là tâm sự thầy ơi con mừng vì chọn đúng nghề, là việc các em có thể tổ chức thành công một chương trình dã ngoại cho hàng trăm người. Đó còn là việc thu được lợi nhuận từ tổ chức một buổi tiệc cocktail có bán vé, là khen ngợi từ doanh nghiệp tuyển dụng, là vui mừng của những em chưa ra trường đã có việc làm với lương cao. Chúng tôi mừng cho các em vì các em đã dám chọn khác biệt, chọn con đường nghề nghiệp và thành công.

Phạm Lê - CTV


Ý kiến bạn đọc