(VnMedia) - Cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế nhưng có tới trên 5.000 cơ sở (khoảng trên 40%) chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn.
Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), đưa ra tại Hội thảo góp ý vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các bệnh viện công lập, tổ chức tại Hà Nội.
Theo bà Hương, hiện cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế nhưng khoảng 5.200 cơ sở (khoảng trên 40%) chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo. Như vậy, mỗi ngày, một lượng lớn nước thải y tế chưa được xử lý được xả thẳng ra môi trường. Trong số đó, có nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt chuẩn.
Nguyên nhân khiến nhiều cơ sở y tế chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải y tế, theo bà Hương, là vì kinh phí đầu tư xử lý nước thải y tế của các bệnh viện chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Vì vậy, nhiều địa phương thiếu kinh phí hoặc lãnh đạo chưa quan tâm đến vấn đề này nên cấp kinh phí cho các bệnh viện rất ít.
Trong khi đó, một số bệnh viện đã được đầu tư nhưng thiếu năng lực quản lý vận hành, bệnh viện không có cán bộ chuyên môn, nhân viên phụ trách không ổn định, nhiều hệ thống hỏng hóc không được bảo trì kịp thời... dẫn đến chất lượng xử lý nước thải y tế chưa cao.
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mục tiêu Bộ Y tế đặt ra đến năm 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là đầu tư kinh phí cho công tác xử lý nước thải y tế rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn chế. Trong khi đó, lãnh đạo một số bêngj viện và địa phương còn coi xử lý nước thải y tế là việc phụ và chưa quan tâm đúng mức.
Ông Long cho biết, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ban hành cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế và xây dựng nội dung dự thảo Quyết đinh, dự thảo Tờ trình Quyết định về vấn đề này.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc