Hà Nội dẹp vỉa hè: Không có chuyện Hoàn Kiếm học Quận 1

06:52, 01/03/2017
|

(VnMedia) - Trước việc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ra quân dẹp lấn chiếm vỉa hè sáng 28/2, có ý kiến cho rằng đó là Hà Nội đang “học Quận 1” TP. Hồ Chí Minh. Nhưng Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã bác thông tin này.

“Đây là công việc mà chúng tôi làm thường xuyên từ nhiều năm qua” - ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định như vậy khi trao đổi với VnMedia chiều 28/2.

- Dư luận đang hết sức chú ý đến sự kiện Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh đang xử lý mạnh tay với các vi phạm trật tự đô thị. Vì vậy, việc dẹp vỉa hè sáng 28/2 của quận Hoàn Kiếm cũng được quan tâm đặc biệt, thậm cho rằng Hoàn Kiếm đang học Quận 1. Xin ông cho biết, việc ra quân lần này có phải là một chiến dịch bất thường hay không?

Ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị là việc mà Quận Hoàn Kiếm vẫn tiến hành thường xuyên, nhằm đôn đốc chính quyền cơ sở vào cuộc thường xuyên trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông chứ không có gì đặc biệt. Việc đảm bảo trật tự và văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông năm 2017 là kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được trong 3 năm liền (2014-2017) về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”.

Năm 2016, Quận đã triển khai nhiều biện pháp và ngay những ngày đầu năm 2017, Quận cũng đã có kế hoạch 03 để triển khai đồng bộ các phương án đảm bảo trật tự an toàn đô thị. Trước, trong và sau Tết, Quận cũng triển khai nhiều cuộc ra quân. Việc lập lại trật tự đô thị là việc thường xuyên phải làm. Bản thân tôi cũng thường xuyên, liên tục xuống địa bàn để chỉ đạo vấn đề này.

vỉa hè
Vỉa hè phố Hàng Trống ngăn nắp, thông thoáng chiều 28/2 - ảnh: Tuệ Khanh

- Nếu nói rằng việc làm này là việc làm thường xuyên thì có thể thấy, hiệu quả chưa thật sự cao vì vẫn có hiện tượng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Lần này, Quận Hoàn Kiếm có một biện pháp mạnh nào để cải thiện tình trạng đó hay không, thưa ông?

Chúng tôi xác định việc triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn trên địa bàn Quận thì đi trước, đi đầu phải là thay đổi nhận thức của người dân, của cộng đồng để mọi người chung tay làm. Có người hỏi sao ở phố đi bộ, ở chợ đêm lại để nhiều rác thế, nhưng không phải nhiều rác do không quét dọn, mà nhiều rác là do nhiều người vứt ra. Rác không tự bay ra mà là do hành vi của chúng ta. Vì thế, mong muốn đầu tiên của chúng tôi là người dân phải thay đổi nhận thức.

Chính vì vậy, các cửa hàng tại khu phố cổ, phố cũ đã biết quy định trong việc để xe như thế nào cho đúng, tuyến phố không được phép lấn chiếm vỉa hè…

Tuy nhiên, đô thị này trước đây thiết kế cho có vài chục nghìn dân ở, bây giờ tăng lên gấp bao nhiêu lần, bao nhiêu hoạt động diễn ra trong khu vực, ô tô xe máy quá nhiều. Cộng thêm với sự chấp hành của người dân, không chỉ là người sinh sống trên địa bàn quận mà còn là người từ nơi khác đến làm việc, giao dịch chưa tốt. Đây là những khó khăn, thách thức.

Trong năm 2016, chúng tôi đã rà soát, điều chỉnh, tổ chức lại giao thông tĩnh tại các khu vực trường học, bệnh viện, chợ Đồng Xuân… Tới đây, Thành phố cũng có nhiều ý tưởng đổi mới, ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm của các nước phát triển và quận hoàn Kiếm được Thành phố lựa chọn thí điểm. Tôi mong muốn người dân chung tay cùng chính quyền để cho nơi ở của chúng ta tốt hơn.

Việc ra quân sáng 28/2 là việc làm bình thường như bao nhiêu năm nay và tôi vẫn xác định là cần thay đổi nhận thức của mọi người mới là mấu chốt. Chứ có bao nhiêu cảnh sát, bao nhiêu người ra xử phạt cũng không xuể nếu người dân không đồng tình, không đồng lòng.

Chúng tôi mong muốn người dân hiểu được trách nhiệm của mỗi công dân trong việc xây dựng đô thị.

vỉa hè
Hình ảnh vỉa hè phố Hàng Gai không còn bóng dáng người bán hàng rong - ảnh: Tuệ Khanh

- Vậy làm thế nào để thay đổi nhận thức của người dân, thưa ông?

Trên thực tế, tôi thấy đã có sự thay đổi, đường phố văn minh hơn, sạch hơn, dù chưa được như chúng ta mong muốn. Nguyên nhân một phần là do không gian đô thị không tăng lên nhưng người tăng lên, các hoạt động tăng lên nhiều. Nếu nhìn vào các chỉ tiêu về kinh tế so với 5 năm trước đây tăng lên gấp bao nhiêu lần thì thấy hoạt động kinh tế diễn ra rất sôi động, đóng góp lớn cho ngân sách.

Việc để xe đúng quy định, dành vỉa hè cho người đi bộ cần có ý thức từ hai phía, chủ cửa hàng và người mua hàng bởi bên cạnh nỗ lực của chính quyền, khách mua hàng và cũng cần chấp hành quy định không để xe ở các tuyến phố cấm, gửi xe đúng bãi quy định. Trước mắt, tại các tuyến phố chính xác định là tuyến phố văn minh độ thị, các phường bố trí tổ liên ngành thường xuyên nhắc nhở, xử lý vi phạm.

Đồng thời, Quận sẽ quy hoạch lại các điểm đỗ xe tĩnh dọc tuyến đường ven đê. Các nhà xây mới phải có tầng hầm đảm bảo chỗ để xe, tương lai, việc phát triển giao thông phải tương xứng với phát triển nhà ở chứ không thể để mãi tình trạng “vênh” nhau như hiện tại. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến một giải pháp, đó là các tòa nhà có tầng hầm nếu không dùng hết công suất sẽ chia sẻ với những tòa nhà không có đủ chỗ đỗ xe.

vỉa hè
Việc để xe đúng quy định, dành vỉa hè cho người đi bộ cần có ý thức từ hai phía - hình ảnh người đi bộ phải len lỏi dưới lòng đường do vỉa hè bị lấn chiếm tại phố Hàng Bè cũng trong chiều 28/2 - ảnh: Tuệ Khanh

 - Quận xác định trách nhiệm như thế nào nếu tình trạng lộn xộn vẫn tiếp tục tái diễn, thưa ông?

Để giải quyết các tụ điểm lấn chiếm vỉa hè, trật tự an toàn giao thông thì quan trọng nhất là sự vào cuộc của chính quyền cơ sở. Nhưng trong giai đoạn này, điều quan trọng là để người dân biết được chúng ta đang làm gì và tất cả là ở khâu tuyên truyền. Trước hết, mình phải nói được cái mong muốn với người dân.

Còn với chính quyền cơ sở, chúng tôi giao trách nhiệm cho lãnh đạo phường. Họ phải nắm được những tồn tại, nắm được quy luật để xảy ra tồn tại và từ đó đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp.

Tại các phường thành lập tổ kiểm tra liên ngành gồm công an, đội tự quản, hội phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm. Qua quá trình thực hiện, lực lượng chức năng sẽ thống kê phường nào làm tốt, phường nào làm chưa tốt để đưa vào xét cuối năm.

Còn việc để giữ được tuyệt đối hoàn toàn sạch đẹp thì phải cần nhiều biện pháp tổng thể, trong đó có việc người dân tham gia sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn để giảm phương tiện cá nhân, không xả rác nữa… Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang tiếp cận ở góc độ như vậy.

Trong một đô thị nhỏ nhưng lại có lượng người lớn như Hoàn Kiếm, cùng với việc đảm bảo trật tự an toàn thì cũng cần phải đảm bảo ổn định, phát triển đời sống kinh tế xã hội trong một trật tự.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Tuệ Khanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc