(VnMedia) - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, kế hoạch xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng đang bị chậm trễ khi có nhiều nhà dân, cơ quan, tổ chức phản đối, yêu cầu ngừng thi công khi đang tiến hành thi công lắp đặt…
Báo cáo tại Hội nghị Giao ban báo chí Thành uỷ chiều 7/3, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Phước An cho biết, hiện nay, Hà Nội có tổng cộng 371 nhà vệ sinh công cộng, gồm 113 nhà vệ sinh bằng thép được xây dựng từ năm 2003 đến năm 2010 và 258 nhà vệ sinh bằng gạch được xây dựng trước năm 1990, hiện chỉ phục vụ cho một số ít hộ gia đình chưa có nhà vệ sinh riêng và khách vãng lai.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng trong 10 năm. Dự án này do Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing đề xuất xây dựng và quản lý, vận hành trong suốt thời gian triển khai dự án. Khi kết thúc, Công ty sẽ chuyển giao cho các đơn vị của Thành phố quản lý.
Theo báo cáo, đến nay Công ty đã khảo sát và ký biên bản thống nhất với UBND phường, xã và Tổng Công ty vận tải Hà Nội được 416 vị trí/528 vị trí đề xuất đủ điều kiện lắp đặt nhà vệ sinh. Đợt 1, đến trước Tết Nguyên đán, Công ty đã khảo sát và dự kiến, đề xuất lắp đặt tại 181/398 vị trí.
Tính đến nay, theo báo cáo của Vinasing, công ty này đã thi công nền móng và lắp đặt được 64 vị trí nhà vệ sinh tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hà Đông, Long Biên, Cầu Giấy.
Trong số đó, 10 vị trí nhà vệ sinh đã hoàn thành lắp đặt điện, nước, đủ điều kiện vận hành bàn giao cho Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội quản lý duy trì từ ngày 21/2/2017. Ngày 5/3, Công ty Vinasing tiếp tiếp tục hoàn thiện 33 vị trí nhà vệ sinh để bàn giao. 21 nhà vệ sinh còn lại đang được hoàn thiện đấu nối hạ tầng kỹ thuật đủ điều kiện vận hành và bàn giao cho Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, tiến độ lắp đặt, vận hành chưa đáp ứng được yêu cầu.
Lý do của việc chậm tiến độ, theo ông An, là do một số địa phương chưa phối hợp tốt trong công tác bàn giao mặt bằng; nhiều hộ dân và cơ quan, tổ chức xung quanh khu vực dự kiến lắp đặt phản đối, yêu cầu ngừng thi công khi đang tiến hành thi công lắp đặt như các vị trí: Hè phố đường Văn Cao tường rào Cung thể theo Quần Ngựa, kho chứa tang vật của Công an phường Liễu Giai cũ (số 32 Văn Cao), vỉa hè hồ Hàm Long đối diện Ban chỉ đạo Tây Bắc, vườn hoa ven Hồ Tây đối diện 121 Yên Hoa, vườn hoa ven Hồ Tây khu vực 322 Lạc Long Quân đối diện đường Vệ hồ…
Ngoài ra, nhà đầu tư được cho là chưa phối hợp tốt với cơ quan, đơn vị quản lý để xin cấp phép và thi công đấu nối đường điện, cấp nước và thoát nước thải; việc khảo sát xác định chính xác hệ thống công trình ngầm tại các vị trí lắp đặt gặp khó khăn dẫn đến rất nhiều vị trí trong quá trình thi công đào móng phải lấp lại hoàn trả mặt bằng do vướng công trình ngầm như: vị trí số 46 Chương Dương (bến du lịch Sông Hồng), vị trí ngõ 80 Chùa Láng, vị trí đối diện với số nhà 157 Chùa Láng, vị trí đối diện số 2 ngõ 82 Chùa Láng (phường Láng Thượng), vườn hoa hồ Xã Đàn (Phường Nam Đồng), vị trí công viên Tuổi thơ (khu đô thị Pháp Vân).
Phó Giám đốc sở Xây dựng cho biết, nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lắp đặt, đấu nối hạ tầng và chuẩn bị các điều kiện để vận hành nhà vệ sinh công cộng, ví dụ như chưa dự tính phương án lắp thêm máy bơm tăng áp giúp cho việc cấp nước phục vụ vận hành, chưa chuẩn bị tốt mặt bằng để tập kết nhà vệ sinh phục vụ lắp đặt đáp ứng tiến độ. Ngoài ra, điều kiện hạ tầng tại một số khu vực còn hạn chế như: kích thước hè không đủ rộng, không có khả năng đấu nối điện, nước, thoát nước…
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Không ai được phản đối vị trí xây nhà vệ sinh
Để đẩy nhanh tiến độ, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các quận chỉ đạo UBND các phường phối hợp với Công ty đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng thi công tại các vị trí đã khảo sát, đề xuất; hỗ trợ Công ty trong công tác định vị hệ thống công trình ngầm và đấu nối điện, cấp nước và thoát nước thải; giao Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh phối hợp, hỗ trợ với Công ty Vinasing trong công tác đấu nối điện, nước, nước thải tại vị trí lắp đặt nhà vệ sinh tại vườn hoa và đề nghị Công ty Vinasing chủ động lập và thực hiện phương án cấp điện, cấp nước để đảm bảo tiến độ với những vị trí lắp đặt nhà vệ sinh không thể kết nối hạ tầng.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, đối với nhà vệ sinh công cộng bằng gạch, UBND các quận, huyện thị xã đang tập trung rà soát, lập kế hoạch tổng thể để lựa chọn hình thức, phương án đầu tư, cải tạo, hoàn thành trong tháng 4/2017 và tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành toàn bộ trong năm 2017.
Với những nhà vệ sinh bằng thép, thực hiện cải tạo, nâng cấp, trường hợp cần thiết có thể thay thế bằng nhà vệ sinh mới và nâng cao chất lượng phục vụ.
Đối với các nhà vệ sinh nằm trong dự án của công ty Vinasing, giai đoạn I (quý I/2017), lắp đặt 100 nhà vệ sinh đủ điều kiện vận hành; giai đoạn II (hết năm 2017), lắp đặt và hoàn thiện tiếp 150 nhà vệ sinh.
Giai đoạn đến năm 2020 sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu thực tế địa bàn các huyện để hoàn thành dự án lắp đặt đủ số lượng nhà vệ sinh theo dự án và bàn giao đưa vào sử dụng.
Theo Phó Giám đốc sở Xây dựng Đồng Phước An, để đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch nói trên, Sở đề nghị nhà đầu tư Vinasing tập trung nhân lực máy móc, thiết bị hoàn chỉnh kế hoạch lắp đặt số lượng nhà vệ sinh như cam kết; phối hợp với Công ty Môi trường đô thị dựng dựng cơ chế thực hiện duy trì nhà vệ sinh sau khi bàn giao gồm thời gian bàn giao, quy trình vận hành, phương thức tổ chức thực hiện, hình thức thanh toán.
Tạm thời, đến hết Quý II/2017 phục vụ không thu phí. Từ Quý III năm 2017 sẽ thực hiện mức phí Thành phố quy định; chủ động phối hợp tốt đối với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để triển khai hoàn thiện kế hoạch giai đoạn II trong năm 2017.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về danh tính cụ thể những cá nhân, tổ chức gây khó khăn cho việc lắp đặt nhà vệ sinh, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Đức Dục thông tin: “Việc các phường phản đối, tôi đã báo cáo Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung về việc một số phường, cá nhân, tổ chức, cơ quan phản đối, Chủ tịch đã giao, trong đợt tới, những đơn vị cố tình phản đối thì sở Xây dựng không cần phải hỏi vì đã nhất trí với quận rồi, không một cá nhân nào cản trở được, công ty Vinasing cứ thế thực hiện”.
Còn đại diện Công ty Vinasing thì cho biết, những khó khăn này đã được tháo gỡ vì đã tìm được những địa chỉ thay thế.
Còn với việc xử lý các nhà vệ sinh bằng gạch cũ trong các khu dân cư, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Dục cho biết, từ nay trở đi, nhà vệ sinh công cộng ở quận nào, quận đó phải trông nom, giữ gìn vệ sinh. Nhà vệ sinh nào không còn dùng nữa thì đề xuất dừng, chuyển đổi mục đích, ví dụ xây dựng nhà cộng đồng. Nơi nào còn một số người sử dụng thì cải tạo, hoặc đặt nhà vệ sinh mới.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc