(VnMedia) - "Chúng tôi đã thống kê được 86 cửa hàng bia hơi và sẽ tiến hành điều tra kỹ các cơ sở kinh doanh này. Bên cạnh đó, CAQ cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra nội bộ nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm" - Phó trưởng Công an quận Đống Đa thông tin.
Một quán bia vỉa hè nằm trên địa bàn quận Đống Đa - ảnh: Xuân Hưng |
Các quận đồng loạt ra quân
Những ngày gần đây, sau khi Chủ tịch UNBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn nêu rõ con số 150 quán bia vỉa hè có công an "bảo kê", các quận trong thành phố đã tiến hành nhiều biện pháp để thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch trong việc lập lại trật tự vỉa hè. Cùng với đó là làm rõ những đối tượng đứng đằng sau sự lộn xộn của vỉa hè Hà Nội.
Trả lời trên báo Pháp luật đời sống, Thượng tá Đỗ Hồng Minh, Phó trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, Ban chỉ huy quận đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và triển khai nghiêm túc trên địa bàn quận Đống Đa, đồng thời quán triệt cho các cán bộ chiến sĩ thực thi công vụ một cách trách nhiệm, theo đúng quy định của pháp luật.
“Hiện tại, chúng tôi đã thống kê được 86 cửa hàng bia hơi và sẽ tiến hành điều tra kỹ các cơ sở kinh doanh này. Bên cạnh đó, CAQ cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra nội bộ nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm với tinh thần kiên quyết trên cơ sở pháp luật cũng như quy định của ngành.” - ông phó Công an quận Đống Đa thông tin.
Theo Thượng tá Đỗ Hồng Minh, trước khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, quận cũng đã “cơ bản giải quyết được 2 bãi trông xe tự phát tồn tại rất lâu, dai dẳng nhiều lần vẫn tái phạm ở gầm cầu đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đoạn qua phố Hào Nam.” Đây là bãi xe có chiều dài khoảng 500m và số lượng xe trông giữ trái phép lên tới 200 ô tô.
Về kế hoạch duy trì việc dọn dẹp vỉa hè, đảm bảo trật tự giao thông, an ninh đô thị, Thượng tá Đỗ Hồng Minh cho biết, Công an quận Đống Đa sẽ thành lập đoàn liên ngành với nòng cốt là Công an quận, thanh tra GTVT, thanh tra Xây dựng, Văn hóa thông tin triển khai xuống hỗ trợ các địa bàn, các phường, tập trung các tuyến trọng điểm, boong ke vi phạm lớn mà phường chưa xử lý được.
Khi xử lý dứt điểm, sẽ bàn giao cho công an phường, mời đồng chí bí thư, chủ tịch phường để bàn giao và có trách nhiệm duy trì. Trong thời điểm đó, CAQ vẫn sẽ có 2 đoàn liên ngành kiểm tra, đôn đốc, ghi nhận kết quả duy trì. Nếu phường nào làm tốt sẽ đề xuất báo cáo khen thưởng, còn chưa tốt sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
“Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thanh tra công vụ 3 lần mà vẫn để xảy ra vi phạm sẽ có biện pháp về tổ chức như điều chuyển hoặc miễn nhiễm" - Phó trưởng Công an quận Đống Đa thông tin.
Trong khi đó, chiều qua (7/3), tại giao ban báo chí Thành ủy, Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn cho biết, cũng như nhiều quận trên địa bàn Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm sẽ tiến hành ra quân đòi lại vẻ hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, việc đòi lại vỉa hè sẽ không được tiến hành một cách ồn ào. “Việc tuyên truyền sẽ được tiến hành trước tiên, nếu sau nhiều lần tuyên truyền mà người dân, hộ kinh doanh không chấp hành thì UBND quận sẽ có hình thức xử lý thích hợp theo quy định của nhà nước”, Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm thông tin.
Còn tại quận Thanh Xuân, cùng với việc ra quân lập lại trật tự vỉa hè thì Chủ tịch quận cũng đã có thư ngỏ gửi toàn thể nhân dân trong quận để kêu gọi mọi người tự giác giữ gìn mỹ quan đô thị trên địa bàn quận. Hôm qua 7/3, lực lượng chức năng các phường trên địa bàn quận Thanh Xuân đã đồng loạt ra quân, triển khai “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”.
14 đối tượng và 3 bước và lập lại trật tự vỉa hè
Không ồn ào, không giằng co mất phản cảm, tinh thần quyết liệt lập lại vỉa hè đã được Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ rõ cả về cách làm, đối tượng và trách nhiệm thực hiện.
Theo đó, 3 bước lập lại trật tự vỉa hè được Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu ra bao gồm, bước thứ nhất là tuyên truyền, ra thông điệp yêu cầu thời gạn tháo gỡ, trong quá trình bán hàng không được bầy ra vỉa hè. Bước hai là kiểm tra xem các hộ kinh doanh có thực hiện không. Hết hạn bước hai sẽ thực hiện bước ba là cưỡng chế và xử phạt.
Ông Chung cũng nêu rõ 14 đối tượng cụ thể phải dẹp gọn để trả lại vỉa hè như: Hàng ăn, hàng bán hoa, hàng hoa quả, hàng điện máy; bán nước; sửa chữa xe đạp, xe máy; bán đồ da, đồ thời trang; bán đồ thể thao, khung ảnh; trông giữ xe máy xe đạp trái phép; hàng rong rau, quả, thực phẩm…
Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh, nếu không tổ chức triển khai làm nghiêm túc, làm không có hiệu quả, làm không nghiêm chỉnh và để tái chiếm, các đoàn kiểm tra về mặt công vụ kiểm tra đến lần thứ 3 sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu, đó là Trưởng công an các quận, phường và Chủ tịch các phường.
Vận động người dân tham gia trông giữ xe
Đề hỗ trợ cho việc dẹp vỉa hè thành công, thấu tình đạt lý bởi nhu cầu chỗ đỗ xe là có thật, Chủ tịch TP.Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải phối hợp cùng Công an TP. Hà Nội thí điểm trông giữ xe trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng. Thành phố tiến tới sẽ thí điểm toàn bộ hệ thống trông giữ xe bằng hệ thống kiểm soát thông minh, thí điểm trả tiền theo giờ, trả tiền qua điện thoại; từ hai tuyến phố thí điểm này sẽ nhân rộng ra toàn Thành phố.
Ngoài ra, ôg Chung cũng giao Chủ tịch các các phường kiểm tra, vận động khuyến khích các gia đình có diện tích rộng cho mở dịch vụ trông giữ xe máy. Trước mắt giao 4 quận nội thành (Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm) khảo sát, họp tổ dân phố vận động các gia đình cho thuê dịch vụ trông giữ xe.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc