(VnMedia) - Người cha ấy đã khóc lặng trước khi chia sẻ vài lời ngắn ngủi về câu chuyện 2 năm ròng rã đi tìm công lý cho đứa con bị xâm hại tình dục. Nỗi đau quá lớn và dai dẳng khiến anh nghẹn ngào, và người nghe cũng nghẹn ngào.
Trong buổi toạ đàm “Xâm hại tình dục trẻ em – im lặng hay lên tiếng” diễn ra chiều 14/3, một người cha đã dũng cảm công khai câu chuyện đau đớn của bố con anh, chia sẻ sự bất lực trong suốt 2 năm đi tìm công lý cho đứa con bị người hàng xóm xâm hại tình dục.
Trước khi kể câu chuyện của mình, người bố ấy đã lặng lẽ khóc. Cả hội trường lặng im trong tiếng khóc nghẹn của anh. Giây phút ấy, nỗi đau của anh khiến cho người nghe cảm thấy như chính nỗi đau của mình, và đứa trẻ ấy cũng chính là đứa con của mình. Nhiều người đã lặng lẽ lau nước mắt.
Người cha ấy kể lại:
“Lúc ấy, con của em mới 3 tuổi. Em đi làm xa. Cháu ở nhà với bà. Hôm đó, bà cho cháu nghỉ học vì cháu ốm. Rồi cháu chạy sang nhà ông hàng xóm chơi. Ông ấy đã thực hiện hành vi dâm ô với cháu.
Vào ngày xảy ra vụ việc, con em về nhà và khóc. Con em kể cho bà nghe, và bà sang nhà ông ta nói chuyện. Đầu tiên, ông ta chối. Hôm sau em về mới biết chuyện xảy ra với con của mình nên đã sang nói chuyện với ông ta. Ông ta tiếp tục chối quanh co, nhưng sau đó đã thú nhận.
Em yêu cầu ông ta viết tường trình, ông ta viết xong, em yêu cầu gia đình ông ta sang xin lỗi gia đình em, nhưng ông ta không sang. Em đến công an khai báo, và công an đã đưa con em xuống bệnh viện tại Hà Nội để kiểm tra. Các bác sĩ phát hiện con em có dấu vết bị xâm hại tình dục và gây ra trầy xước.
Đến cuối năm 2016 , anh Trường ở công an số 7 Thiền Quang cho biết đã khởi tố bị can. Rồi cách đây một tháng, công an về làm việc với ông ta nhưng ông ta không chịu ra. Và thế là, đến nay vẫn im ắng...".
Ông bố trẻ tội nghiệp vừa kể, vừa nghẹn ngào khóc như suốt hai năm qua anh đã khóc, nhất là mỗi lần phải gợi lại nỗi đau để chia sẻ câu chuyện đau đớn này với mọi người.
“Em cảm thấy uất ức bởi cái hành vi như vậy mà không được giải quyết. Chính quyền, công an đã làm gì? sao không giải quyết cho con em?” – người bố trẻ hỏi một cách tuyệt vọng trước nỗi đau quá lớn của con mình.
“Mỗi lần mời em đến thế này, chị cảm thấy có tội” – bà Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA cũng nghẹn giọng nói với người cha của đứa trẻ bị xâm hại tình dục khi mới 3 tuổi. Một đứa trẻ đang học mầm non.
Trả lời cho câu hỏi: Phải làm gì để giúp những gia đình là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục? bà Vân Anh phẫn nộ nói lớn: “Một đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ. Nhưng tại sao khi con chúng ta bị xâm phạm, chúng ta lại không biết gọi đến đâu? Chúng ta gào khóc mọi nơi mà tại sao không có ai để cứu giúp cả? Tại sao 2 năm trời, 3 năm trời, hơn 1 năm trời… với những trường hợp như vậy, 15 cơ quan ấy làm gì?”
“Cá nhân tôi thấy điều đó thật là mỉa mai. Chúng ta có lẽ không cần đến quá nhiều cơ quan như vậy. Chúng ta chỉ cần có 1 – 2 cơ quan nhưng thực sự làm. Đau mà nói rằng đau thì ai trong chúng ta cũng đau, nhưng chúng ta biến cái đau đó thành hành động nào để thay đổi tình trạng đau đớn đó?” – bà Vân Anh tiếp tục gay gắt đặt câu hỏi cho tất cả khán phòng.
Bà Giám đốc CSAGA kêu gọi: “Nếu ở cơ quan, chúng ta có vai trò vận động cho luật pháp thì hãy vận động đi, nếu cần ra văn bản thì hãy ra văn bản đi, đừng nói nhiều nữa. Đừng nhìn những đứa trẻ nay bị cưỡng hiếp, mai bị cưỡng hiếp mà không làm gì. Để người ta chạy khắp mọi nơi cho đến khi con họ lớn thì lấy đâu ra bằng chứng nữa? Tôi nghĩ rằng đấy mới là vấn đề!”.
Bà Vân Anh cũng chia sẻ thêm một trường hợp nữa, ở ngay tại Hoà Lạc. Đó là một cháu bé cũng bị một người hàng xóm cưỡng hiếp. Bé đã có giấy xác nhận thương tích, nhưng hơn một năm nay không có bất cứ kết luận nào.
“Bản thân tôi khi giúp đỡ chị và những trường hợp khác, cảm thấy bất lực. Bởi vì nào là quen biết, chạy chọt, rồi thì phải có luật sư giỏi tình nguyện, tư vấn, đi lại… Đó là cả một câu chuyện dài đối với chúng tôi. Nhiều khi cảm thấy bất lực, vô vọng vô cùng. Hàng chục ngàn chữ ký, rồi Chủ tịch nước lên tiếng, Phó Thủ tướng lên tiếng, nhưng, câu chuyện của những đứa trẻ rồi đây có được xử lý hay không?” – bà Vân Anh đau đáu đặt câu hỏi.
“Cảm giác mất an toàn vì phải ở trong một môi trường mà kẻ gây ra câu chuyện đó vẫn nhởn nhơ ngay gần đấy, chỉ cách vài nhà và vẫn cười cợt trên nỗi đau của gia đình nạn nhân theo kiểu “cứ kiện đi, có làm gì được đâu?” là thách thức đối với những tổ chức như chúng tôi. Chúng tôi không dám nói gì về thành công bởi vì ngày mai vẫn là một quá trình mà chúng tôi đang đi tìm đường. Chúng tôi cần sự ủng hộ của tất cả các bạn, của báo chí, của các tổ chức đồng nghiệp, của các gia đình nạn nhân, của những ông bố bà mẹ vô cùng dũng cảm đi đòi công lý” – Bà Giám đốc tổ chức CSAGA tha thiết nói.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc