(VnMedia) - Riêng trong năm 2016 và quý 1/2017, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã khám và chăm sóc cho 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ ít tuổi nhất là 4 tuổi, ngoài ra còn có 29 trẻ dưới 16 tuổi sinh con....
5 năm, gần 10.000 nạn nhân
Ngày 27/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức cuộc tọa đàm về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008- 2010, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội vì bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung.
Theo thống kê mới nhất của Bộ LĐ, TB&XH, trong năm năm (2012-2016), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Hồng Lan cho rằng, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng cảnh báo, tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp, thể hiện sự suy đồi đạo đức, coi thường tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em. Trong số các vụ xâm hại tình dục trẻ em thì số em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%.
Bà Nghĩa cũng lo ngại về an toàn của trẻ ở trường học khi đã xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng như thầy giáo, bảo vệ hoặc người lạ mặt đột nhập vào trường dâm ô học sinh. Trong khi đó, nạn nhân của các vụ việc trong trường học chủ yếu là học sinh nữ cấp tiểu học, không có khả năng tự bảo vệ và yếu về kỹ năng phòng tránh xâm hại.
Đáng chú ý, nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình. Thậm chí có tình trạng thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền hòa giải với gia đình của nạn nhân.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết, hàng năm, các cơ quan giám định khoảng 2.000 vụ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục trẻ em. Riêng trong năm 2016 và quý 1/2017, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã khám và chăm sóc cho 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ ít tuổi nhất là 4 tuổi, ngoài ra còn có 29 trẻ dưới 16 tuổi sinh con.
Khoảng trống pháp luật đáng lo ngại
Điều mà dư luận hiện nay đang rất lo ngại, đó là những quy định của luật pháp chưa đủ mạnh để xử lý tội danh xâm hại tình dục trẻ em, chưa đủ sức răn đe với kẻ phạm tội. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, hiện nay, pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em.
Cùng với đó, Pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em. Chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác.
Đại diện VKSND Tối cao cũng thông tin, để xử lý tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em, bắt buộc phải có kết luận giám định pháp y và những chứng cứ có liên quan khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử về tội gì quy định trong Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, nhưng gia đình tố cáo muộn, không biết thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn dẫn đến không xử lý đối tượng phạm tội trong những trường hợp này. Đồng thời do ám ảnh, xấu hổ nên nhiều trường hợp không tố cáo và cung cấp thông tin cho cơ quan pháp luật.
Vì vậy, VKSND Tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng quy định biện pháp điều tra đặc biệt đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Có thể tham khảo cách thu nhập chứng cứ của nước ngoài đối với loại tội phạm này để bảo đảm việc thu thập đầy đủ dấu vết, vật chứng làm căn cứ vững chắc cho việc xử lý chính xác, kịp thời đối với các hành vi phạm tội xâm hại tình dục đối với trẻ em;
Quy định ẩn danh đối với người bị hại nhằm giải tỏa tâm lý xấu hổ, sợ ảnh hưởng nặng thêm đến trẻ em bị xâm hại, không tố cáo hoặc không cung cấp chứng cứ cho cơ quan pháp luật. Trước mắt, VKSND Tối cao đề nghị Bộ luật Hình sự cần quy định rõ khái niệm “dâm ô” để khắc phục vướng mắc đang tồn tại giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng trong xác định đối với Dâm ô đối với trẻ em.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, bên cạnh việc đề cập dẫn đến thực trạng tăng cường các biện pháp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em thì cần đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.
Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội đã đề xuất nhiều kiến nghị, trong đó có việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em do một Phó Thủ tướng phụ trách, cơ quan thường trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, thành viên Ủy ban là đại diện lãnh đạo các bộ ngành, đoàn thể hữu quan...
Đoàn giám sát cũng đề nghị ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương, tiến hành rà soát, thẩm định điều kiện cấp phép hoạt động, quản lý các “nhóm, lớp trẻ tư thục”, khắc phục tình trạng hoạt động tự phát và chưa bảo đảm an toàn cho trẻ như hiện nay; nghiên cứu cho mở mã ngành đào tạo chức danh “Bảo mẫu”, quy định hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm nuôi trẻ em trong các nhóm trẻ tư thục này…
Cũng tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, Bộ cũng đang xây dựng Dự thảo Chỉ thị trình Chính phủ để tăng cường bảo vệ trẻ em.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc