(VnMedia) - Từ nhiều tháng nay, người dân tại thôn Thắng Lợi Hạ, xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang bức xúc về nạn khai thác cát tràn lan trên đoạn sông Cầu.
Dân khốn khổ nạn cát tặc
Gần 3 năm nay, thôn Thắng Lợi, xã Thắng Cương, Huyện Yên Dũng xuất hiện nhiều tàu khai thác cát, có lúc tập trung 40-50 tàu trọng lượng 1.000 tấn, áp sát chân đê hút cát. Tình trạng khai thác cát trái phép dẫn đến nguy cơ gây vỡ đê, sập nhà, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây.
Theo phản ánh của người dân, các tàu hút cát ầm ầm suốt ngày đêm mà không có bất kỳ lực lượng chức năng nào ngăn cản. Do quá lo sợ tình trạng sạt lở, khi thấy các tàu hút cát lại gần vị trị nhà mình, nhiều người dân đã phải mang chai, lọ thủy tinh ném để đuổi tàu hút cát.
Quan sát của PV cho thấy, nhiều căn nhà sát chân đê đã bị nứt toác, các vết nứt rộng, trải dài từ móng nhà lên nóc. Vì vây, nhiều người dân xã Thắng Lợi Hạ đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống do lo ngại nhà đổ bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Văn Thất, Trưởng thôn Thắng Lợi cho biết: qua kiểm tra thực tế nhiều vị trí đê ven Sông Cầu đoạn chảy qua xã Thắng Lợi Hạ, bãi sông đã bị sạt lở gần 200m, ăn sâu vào bãi khoảng 70m, vị trí sạt lở gần nhất cách đền Lý Thái Tông chứng 100m về phía hạ lưu. Ngoài ra, trên địa bàn thôn Thắng Cương đến thôn Thắng Lợi Thượng, nhiều điểm sạt lở đã sát đến chân đê, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều và cuộc sống của người dân.
Trong khi, nhiều người dân trong thôn Thắng Lợi, xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã phải bỏ nhà, dọn đi nơi khác ở. Hoạt động khai thác cát vẫn tiếp tục bất chấp cảnh báo về an ninh đê điều với lý do việc khai thác là hợp pháp vì có giấy phép của Bộ Giao thông - Vận tải.
Đại diện UBND huyện Yên Dũng cho biết, hiện đang có 2 doanh nghiệp được Bộ GTVT cấp phép khai thông luồng lạch trên địa bàn dưới hình thức xã hội hóa. Các doanh nghiệp thực hiện việc khai thông luồng lạch, nạo vét sông sẽ giúp Nhà nước không phải chi ngân sách trả cho việc làm này. Đổi lại, doanh nghiệp được khai thác một phần cát dưới lòng sông để bù đắp chi phí nạo hút.
Tuy nhiên, việc khai thác cát chỉ là tận thu một phần để bù đắp cho công nạo vét, chứ không phải là được quyền khai thác cát rầm rộ hút cát suốt ngày đêm. Trong khi đó, 2 doanh nghiệp này mới chỉ đóng góp cho địa phương trên 200 triệu đồng/năm.
Đội lốt nạo hút luồng lạch để ăn cắp cát
Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn huyện Yên Dũng, Bộ Giao thông vận tải đã cấp phép cho Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu (công ty Hạ Lưu) được phép khơi thông, nạo vét trên đoạn sông Cầu này theo hình thức xã hội hóa. Thay vì trả tiền, công ty Hạ Lưu được quyền khai thác 38.000m3 cát/năm để bù đắp chi phí. Điều này có nghĩa, chỉ trong 1 ngày, công ty Hạ Lưu khai thác 38 tàu lớn, trọng lượng 1.000 m3 cát là đã hết sản lượng.
Việc Bộ Giao thông vận tải cấp phép là vậy. Nhưng thực tế, công ty Hạ Lưu thường xuyên hút cát suốt ngày đêm gây bức xúc trong nhân dân.
Tại cuộc họp đầu tháng 3 với Phòng tài nguyên và môi trường UBND huyện Yên Dũng, lãnh đạo xã thôn Thắng Cương cho biết, công ty Hạ Lưu đã tiến hành hút cát từ ngày 26/2/2017. Trên đoạn sông dài 700 m, luôn thường trực 10-15 tàu hút cát diễn ra liên tục suốt ngày đêm và chỉ tập trung vào những điểm nhiều cát. Thậm chí, nhiều tàu đã hút sát bờ làm sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân khu vực thôn Thắng Lợi Thượng, Thắng Lợi Hạ.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Phòng tài nguyên và môi trường huyện Yên Dũng đã có văn bản đề nghị công ty Hạ Lưu phải dừng ngay hoạt động nạo vét luồng lạch, tận thu cát trên sông Cầu trên địa bàn huyện Yên Dũng. Đồng thời, yêu cầu đơn vị có biện pháp xử lý các đoạn đê bị sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Mặc dù ai cũng nhìn thấy tài nguyên đã bị đánh cắp từ việc đội lốt cái mác khơi thông dòng chảy nhưng chưa ai ngăn chặn được, trong khi đê điều, nhà cửa của người dân đang đứng trước nguy cơ bị vỡ, đổ bất cứ lúc nào.
Trước tình trạng khai thác cát tràn lan tại địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu dừng các hoạt động nạo vét luồng lạch, khai thác cát sỏi trên sông Cầu nhưng ngay sau đó, chính ông và một số cán bộ làm nhiệm vụ đã nhận được những tin nhắn khủng bố, uy hiếp.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các trường hợp đứng sau đe dọa lực lượng quản lý và người thi hành công vụ.
Cuộc chiến chống lại những sai phạm trong khai thác cát sỏi thực sự là một thử thách lớn đối với các lực lượng chức năng. Không chỉ đau đầu giải quyết tình trạng tận thu tài nguyên, mà họ còn phải đối mặt với sự đe dọa, có thể nguy hiểm đến tính mạng, gia đình. Hy vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan liên quan và người dân địa phương, nỗ lực ngăn chặn nạn khai thác cát sỏi sẽ có hiệu quả tích cực.
Được biết, bắt đầu từ 15/3 đến 1/6, Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm khai thác cát trái phép theo yêu cầu của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh hoạt động khai ở các địa phương có nhiều diễn biến phức tạp, việc vi phạm diễn ra công khai gây bức xúc trong dư luận như tại Bắc Giang.
Khánh An
Ý kiến bạn đọc