10 tỉnh có số người chết vì tai nạn giao thông tăng trên 40%

06:32, 17/03/2017
|

(VnMedia) - So với cùng kỳ năm 2016, hai tháng đầu năm 2017 có 10 tỉnh có số người chết vì TNGT tăng trên 40%, trong đó có 3 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là Lạng Sơn, An Giang, Yên Bái..

Nhiều tỉnh giảm, nhưng nhiều tỉnh tăng số người chết

Chiều 16/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1/2017.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, 3 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành như: Bộ Công an, Bộ GTVT, trật tự ATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương.

Cũng theo ông Hùng, 2 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 3.465 vụ TNGT, làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người. So với 2 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 153 vụ, số người chết giảm 20 người, số người bị thương giảm 707 người.

Trong 2 tháng đầu năm (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/2/2017 ) cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2016; trong đó 12 địa phương giảm trên 30% số người chết là: Cao Bằng, Hà Giang, Cà Mau, Bắc Kạn, Hậu Giang, Phú Thọ, Đà Nẵng, Long An, Lào Cai, Kiên Giang, Quảng Nam, Tây Ninh. Đặc biệt, Cao Bằng, Hà Giang, Cà Mau, Bắc Kạn giảm trên 50% số người chết do TNGT.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, mặc dù 2 tháng đầu năm, số vụ, người chết và bị thương giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô, nhất là TNGT trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu tăng cao so với 7 ngày đầu dịp nghỉ Tết Bính Thân. Ttừ 1/1- 6/3/2017, cả nước xảy ra 21 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 51 người chết, bị thương 72 người, gây thiệt hại lớn về tài sản gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016, trong đó 10 tỉnh tăng trên 40% là: Đăk Nông, Bắc Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Bình, Quảng Trị, Lạng Sơn, An Giang, Yên Bái, trong đó, có 3 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là: Lạng Sơn, An Giang, Yên Bái.

Theo ông Hùng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự ATGT. Vì vậy, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị và địa phương phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo, nơi quyết liệt thì chuyển biến, những nơi thiếu quyết liệt dẫn đến tình trạng buông lỏng trong đảm bảo trật tự ATGT cũng như trong tuần tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định.

tai nạn giao thông

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại Hà Nam sáng 16/3

"Luật hoá” quy định trách nhiệm của lãnh đạo địa phương

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho rằng, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến phức tạp có phần trách nhiệm người đứng đầu trong trong xử lý các vấn đề trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn.

Do đó, các cấp chính quyền cần phát huy sức mạnh tổng hợp của của hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, huy động sự tham gia của người dân, xây dựng và tuyên truyền văn hoá giao thông, tinh thần thượng tôn pháp luật của mỗi người dân khi tham gia giao thông. Qua đó, từng bước kéo giảm TNGT.

“Tới đây sẽ “luật hoá” quy định trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để TNGT tăng cao trên địa bàn”, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý 2/2017 nhằm mục tiêu kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông từ 5-10%, giảm ùn tắc giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu khẩn trương trình Quốc hội ban hành Luật Đường sắt (sửa đổi); tổng kết và xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

Đổi mới phương pháp, cách phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hoá giao thông; hoàn thiện chương trình đào tạo gắn liền giữa lý thuyết với thực hành về văn hoá giao thông và đưa vào chương trình chính khoá trong trường phổ thông; tổ chức tháng cao điểm toàn quốc về tuyên truyền vận động và giải tỏa hành lang ATGT đường bộ, đường sắt.

Thúc đẩy tiến độ đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và vận tải công cộng khối lượng lớn theo quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội và TP HCM, bảo đảm kết nối thuận tiện và gắn với tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển giao thông thông minh, nâng cao năng lực giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, vận tải công cộng.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu sửa đổi Thông tư 91/2016/TT-BGTVT quy định về tốc độ xe cơ giới đường bộ; rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ô tô và chương trình khung tập huấn cho lái xe ô tô kinh doanh vận tải; chủ trì tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020; xây dựng, thực hiện kế hoạch theo thứ tự ưu tiên và lộ trình thời gian cụ thể để cập nhật, thay thế hệ thống biển báo hiệu đường bộ.

Cũng Bộ GTVT được giao nhiệm vụ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, các sở GTVT xây dựng và triển khai kế hoạch tháng cao điểm tuyên truyền, vận động thực hiện quy định pháp luật và xử lý vi phạm về hành lang ATGT đường bộ, đường sắt (16/5-15/6/2017); xây dựng và ban hành hướng dẫn thiết kế và thi công gờ giảm tốc và biển cảnh báo tại các điểm giao cắt đường bộ đường sắt; chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT ưu tiên sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương tổ chức tổng điều tra phương tiện đường thuỷ nội địa trên địa bàn cả nước.

Bộ Công an tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, tổ chức thực hiện tốt Công văn số 28-CV/TW ngày 02/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động; mở đợt cao điểm về xử lý vi phạm tốc độ để hưởng ứng Tuần lễ an toàn đường bộ toàn cầu (8/5-14/5/2017); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự, ATGT.

Đồng thời, gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị theo địa bàn được phân công phụ trách; phối hợp với Bộ GTVT tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, xe khách hợp đồng hoạt động trái phép, vận chuyển vật liệu nổ, hàng cấm, xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng; tăng cường xử lý các phương tiện mang biển xanh vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông gắn với hoạt động tuần tra kiểm soát; tiếp tục triển khai cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông gắn với bình yên sông nước”.

Xuân Hưn


Ý kiến bạn đọc