(VnMedia) - Nếu không hạn chế, năm 2025, diện tích chiếm dụng mật đường của phương tiện cơ giới cá nhân sẽ vượt so với năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị tới 7,58 lần, tức là các phương tiện giao thông không thể di chuyển được…
Những ngày cuối năm vừa qua, Hà Nội đã chứng kiến một bức tranh khá “bi đát" về tình trạng giao thông, khi nạn tắc đường triền miên xảy ra ở gần khắp các tuyến phố, cả cũ và mới và vào bất kỳ thời điểm nào dù là giờ cao điểm hay không.
Từ thực tế đó, ai cũng có thể nhận ra một điều, đó là việc phát triển tự do phương tiện cá nhân đã trở thành một mối đe dọa lớn đối với việc lưu thông trong thành phố.
Đến năm 2025, xe máy, ô tô sẽ không thể di chuyển nếu Hà Nội không hạn chế phương tiện cá nhân |
Nhu cầu gấp 7,8 lần hạ tầng
Theo Thạc sĩ Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giao thông đô thị và nông thôn (Viện chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải), nếu tiếp tục để tăng tự nhiên như điều kiện hiện nay thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 939 nghìn ô tô (trong đó có 638 nghìn xe con) và 6,2 triệu xe máy. Đến năm 2025 là 1,3 triệu ô tô và 7,3 triệu xe máy.
“Hiện nay, phương tiện cá nhân chiếm đến 85,8% diện tích mặt đường đô thị và đến năm 2025, trong vành đai 3, diện tích chiếm dụng mật đường của phương tiện cơ giới cá nhân sẽ vượt so với năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị tới 7,58 lần, tức là các phương tiện giao thông không thể di chuyển được” – Giám đốc Trung tâm Phát triển Giao thông đô thị và nông thôn cảnh báo.
Do vậy, để tăng cường quản lý phương tiện cơ giới cá nhân, kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, theo Ths Phạm Hoài Chung, cần phải thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp: giải pháp quản lý hành chính, giải pháp tổ chức giao thông, giải pháp kinh tế và ứng dụng giao thông thông minh.
Về nhóm giải pháp quản lý hành chính, ông Chung kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT ban hành chính sách quản lý về niên hạn sử dụng và tiêu chuẩn khí thải của xe máy, thu hồi, buộc tiêu hủy đối với các phương tiện ô tô, xe máy quá niên hạn sử dụng và không đủ tiêu chuẩn về khí thải.
Quy định cụ thể về mức tăng số lượng phương tiện ô tô, xe máy hàng năm cho giai đoạn 2016 – 2020 và các giai đoạn tiếp theo cho từng khu vực, đặc biệt tập trung làm cho các quận nội đô;
Giảm dần, tiến tới dừng cấp phép sử dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe ô tô, xe máy tại bốn quận nội đô; tăng cường xử phạt nghiêm đối với các phương tiện vi phạm về dừng dỗ xe; định hướng dịch chuyển nhu cầu xe ra khu vực ngoài vành đai 3 nhằm giảm tai nạn giao thông;
Tổ chức dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực đối với xe ô tô con cá nhân; một số khu vực theo lộ trình cho phép xe ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí;
Tổ chức đỗ xe theo ngày chẵn (lẻ) với các tuyến phố cụ thể khu vực trung tâm thành phố; nghiên cứu tổ chức các khu vực hạn chế lưu thông đối với xe ô tô con và xe máy, tiến dần đến dừng hoạt động trên một số trục chính và một số khu vực trong vành đai 3.
Về nhóm giải pháp tổ chức giao thông, Thạc sĩ Chung đề nghị đẩy mạnh phân làn, phân luồng quy định thời gian hoạt động của phương tiện tham gia giao thông theo các tuyến đường, như cấm hoạt động taxi trên một số tuyến có lưu lượng cao hoặc các tuyến có ưu tiên xe buýt;
Mở rộng không gian phố đi bộ khu vực quận Hoàn Kiếm; thí điểm hạn chế hoạt động của ô tô, xe máy tại các tuyến đường, khu vực có phương tiện vận tải hành khách công cộng hoạt động tốt;
Giảm dần việc cấp phép trông giữ ô tô, xe máy, tăng cường xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường cá tuyến phố thuộc 4 quận nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổ chức giao thông theo hướng cân đối hài hòa số lượng phương tiện tham gia giao thông phù hợp với hạ tầng giao thông theo từng khu vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố và giảm ùn tắc giao thông.
Tăng lũy tiến phí trông giữ xe
Về nhóm giải pháp kinh tế, ông Phạm Hoài Chung đề nghị xây dựng khung giá dịch vụ trông giữ phương tiện cá nhân theo hướng tăng lũy tiến theo thời gian và theo khu vực cụ thể;
Nghiên cứu, đề xuất tăng lệ phí trước bạ đối với ô tô con đăng ký lần đầu; tổ chức thu phí xe ô tô vào khu vực nội đô giờ cao điểm, lấy vành đai 2 là vành đai nghiên cứu để tổ chức thu phí khu trung tâm 4 quận nội thành; xây dựng chơ chế hỗ trợ kinh phí cho người dân khi tiến hành thu hồi phương tiện xe máy không đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Giám đốc Trung tâm Phát triển Giao thông đô thị và nông thôn Phạm Hoài Chung cũng đề nghị Hà Nội đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức quản lý, điều hành giao thông qua việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan như công an, đăng kiểm, giao thông;
Xây dựng hệ thống thu phí tự động khu vực vành đai 2, vành đai 3; đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông phục vụ nhu cầu tổ chức giao thông, quản lý giao thông và xử phạt vi phạm giao thông trên một số tuyến phố chính.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc