Sáng nay tòa phúc thẩm xét hỏi các bị cáo về hành vi rút 5.140 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay của nhóm Trần Ngọc Bích.
Sáng 30/12, phiên tòa phúc thẩm vụ án 9.000 tỉ đồng tại ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB) do Phạm Công Danh và đồng phạm gây nên tiếp tục diễn ra. Tại phiên tòa này HĐXX xét hỏi, làm rõ về khoản tiền 300 tỉ đồng bị rút ra khỏi VNCB với hình thức vay, cầm cố bằng 6 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích (Giám đốc Tân Hiệp Phát).
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo có mặt tại tòa đại diện cho 03 cá nhân: Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung và Trần Hoài Phục (nhóm Trần Ngọc Bích) kháng cáo trả lại số tiền 300 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của 3 cá nhân trên vì không liên quan đến các khoản vay của bất kỳ tổ chức cá nhân nào.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo trình bày những cuốn sổ tiết kiệm gửi vào khoảng tháng 12/2013 nhưng chủ nhân lại không giữ sổ tiết kiệm vì đang tính vay tiền cầm cố bằng sổ tiết kiệm nhưng sau đó lại không vay nữa nên không ký hồ sơ vay và tài sản là sổ tiết kiệm vẫn để ở ngân hàng.
Sau đó, các chủ sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích đã có văn bản gửi VNCB để yêu cầu trả lại sổ tiết kiệm nhưng văn thư của VNCB không nhận văn bản. Luật sư của nhóm đã gửi công văn trước thời điểm khởi tố vụ án.
Hội đồng xét xử: Số tiền lớn như vậy nhưng lại để rất lâu? Thời gian gửi 1 năm nhưng lãi suất nhận hằng tháng mà các cá nhân này không đến nhận lãi?. Nguyễn Thị Thanh Thảo: Sổ tiết kiệm để ở ngân hàng do tin tưởng ngân hàng và tiền lãi trả hằng tháng được chuyển vào tài khoản luôn và trả lãi đầy đủ cho khách hàng.
3 cá nhân trên không vay vốn tại VNCB nên không thể nhận và không có khoản tiền này và nếu có thì họ cũng không thể kiểm soát vì đó là chuyện nội bộ của ngân hàng. Tài khoản của 3 cá nhân này có mở tại VNCB nhưng không sử dụng.
Trả lời vấn đề này bị cáo Khương khẳng định, tiền lãi thường được thanh toán hàng tháng. Tuy nhiên, khi 6 sổ này được mang tới VNCB để thực hiện việc vay 300 tỉ đồng, nhóm 3 người này đã không tới nhận lãi. Nói đúng hơn, khi các sổ tiết kiệm này dùng để thế chấp cho một khoản vay khác thì sẽ không được nhận lãi suất, báo Dân việt đưa tin.
Từ đó, bị cáo Khương cho rằng dù không có hồ sơ vay nhưng phần này đó các cá nhân này đồng thuận về mặt ý chí khoản vay 300 tỉ. Bị cáo Khương cho rằng nếu không vay thì phải lấy lại sổ chứ không thể để tại VNCB được.
Bị cáo Khương nói thêm, việc chuyển 300 tỉ đồng dù chưa có hồ sơ vay là làm theo yêu cầu của Vũ Anh Tuấn (nhân viên của Tân Hiệp Phát, người mà Khương cho là thường làm việc với VNCB mỗi khi phát sinh khoản vay với ông Thanh, bà Bích). Nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn khẳng định có nhiều nhân viên ngân hàng tại VNCB có thể làm chứng.
Ông Danh cũng cho rằng, bản thân không trực tiếp chỉ đạo thực hiện về khoản vay 300 tỉ đồng này, nhưng chịu trách nhiệm về những sai xót mà thuộc cấp gây ra. Nhưng, việc để sổ tại VNCB, không khiếu nại để lấy lại sổ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng hay tiền lãi hàng tháng.
Phía đại diện nhóm có 6 sổ tiết kiệm khẳng định việc không nhận lãi, hay không vay nhưng vẫn để sổ tiết kiệm ở ngân hàng VNCB không thể hiện việc đồng ý vay. Nhưng nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn sau đó khẳng định không có chứng từ nào thể hiện VNCB giữ dùm. Bản thân VNCB cũng không có nghĩa vụ phải giữ dùm sổ tiết kiệm cho khác hàng, bị cáo Khương khai nhận thêm.
Ông Danh cũng khẳng định khoản tiền này (vay của ông Thanh) đã được trả lãi và cụ thể là cao hơn 150% so với mức lãi suất tại VNCB. Nguyên chủ tịch VNCB nói tại tòa rằng “xin lỗi ông Thanh vì đã nói ra sự thật”, nhưng muốn được đối chất trực tiếp tại tòa để làm rõ bản chất sự việc. Chiều cùng ngày phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và các đồng phạm gây ra thất thoát 9.000 tỉ đồng tại VNCB sẽ tiếp tục diễn ra
Theo Doanhnghiepvn.vn
Ý kiến bạn đọc