(VnMedia) - Theo luật sư, bất kỳ người dân nào cũng có quyền tham gia bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang. Quá trình dùng xe máy truy bắt người có hành vi phạm tội quả tang phải đảm bảo an toàn cho những người đi trên đường.
Chiếc xe biển xanh bị truy đuổi trên đường phố Hà Nội vì bị cho là gây tai nạn rồi bỏ chạy (Ảnh cắt từ clip). |
Thời gian đây, liên tiếp có nhiều vụ việc người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô biển xanh và biển trắng) vi phạm các quy định của luật an toàn giao thông, gây tai nạn rồi bỏ chạy khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Vụ việc tài xế xe biển xanh 80B - 3589 của Ban Kinh tế Trung ương gây tai nạn rồi bỏ chạy điên cuồng trên phố tại Hà Nội bị người dân đuổi theo, chặn lại đang gây xôn xao dư luận và hiện các cơ quan đang tiếp tục làm rõ để xử lý nghiêm.
Trao đổi với VnMedia về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Xét hậu quả mà hành vi của lái xe biển xanh này nếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì lái xe có thể bị xử lý trách nhiệm về mặt hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự.
Theo điều tra ban đầu của Cơ quan Công an, thì mới có 1 người bị nạn đến trình báo và người này chỉ bị thương nhẹ, phương tiện hư hỏng nên hai người đã tự hòa giải nên không có căn cứ để xử lý về mặt hình sự.
Tuy nhiên, hành vi của người điều khiển xe ô tô bển xanh này đã có lỗi vi phạm các qui của luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 46/2016 như sau:
1/ Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở thở có nồng độ cồn (tùy theo nồng độ cồn và mức phạt cao nhất đên 18 triệu đồng theo điều 5 Nghị định 46/2013)
2/ Điều khiển xe lạng lách, đánh võng (mức phạt cao nhất đến 8 triệu đồng theo khoản 8 điều 5 Nghị định 46/2013)
3/ Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; (mức phạt cao nhất đến 6 triệu đồng theo khoản 7 điều 5 Nghị định 46/2013)
Để xử phạt về hành vi người điều khiển xe chạy tốc độ cao thì cần phải có căn cứ chứng minh theo qui định của pháp luật như: súng bắn tốc độ để xác định. Do vậy, theo clip truy đuổi thì chưa có đủ cơ sở xác định tốc độ theo qui định nên khó có thể xử phạt về hành vi này.
Người dân được quyền truy đuổi xe gây tai nạn
Theo đoạn clip quay lại sự việc cho thấy, nhiều người dân đã dùng xe máy chạy với tốc độ cao trên đường để truy đuổi chiếc xe biển xanh vi phạm, bỏ chạy điên cuồng này khiến không ít người bày tỏ sự lo ngại.
Về vấn đề này, theo quan điểm của luật sư, hành vi của người điều khiển xe ô tô biển xanh đã gây tai nạn bỏ chạy, không cứu giúp người bị tai nạn là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi của người điều khiển xe ô tô gây tai nạn đã làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông mà bỏ chạy nhằm trốn tránh nhiệm, xóa dấu vết vi phạm là thuộc trường hợp phạm tội quả tang nên bất kỳ người dân nào cũng có quyền bắt giữ.
Căn cứ Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự qui định: Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã
1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
Như vậy, theo quan điểm của Luật sư, bất kỳ người dân nào cũng có quyền tham gia bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang. Quá trình dùng xe máy truy bắt người có hành vi phạm tội quả tang phải đảm bảo an toàn cho những người đi trên đường. Nếu trong quá trình truy đuổi mà có lỗi gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản cho những người tham gia giao thông thì sẽ phải bồi thường và xử lý theo qui định của pháp luật.
Phương Mai
Ý kiến bạn đọc