(VnMedia) - Thủ tướng giao Bộ Công an tổ chức triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, trinh sát để đấu tranh phòng ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.
Theo đó, mục tiêu đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm; không mua tôm tạp chất.
Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước.
Ngăn chặn đưa tạp chất vào tôm |
Lập các đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác
Một trong những nhiệm vụ và các giải pháp chính của Đề án là tuyên truyền phổ biến pháp luật, ký cam kết, phát hiện và tố giác tội phạm. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho các đối tượng có liên quan về: Nguy cơ, tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất; cách thức nhận biết sản phẩm tôm có tạp chất và tố giác hành vi vi phạm tạp chất; các chế tài xử lý phải chấp hành khi bị phát hiện vi phạm tạp chất.
Riêng đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, chỉ đạo thành lập các đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm tạp chất trong tôm tại các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp; chỉ đạo việc tổ chức ký cam kết không vi phạm tạp chất, công bố công khai danh sách các cơ sở đã ký cam kết theo địa bàn.
Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với các kênh phương tiện thông tin đại chúng đăng tải bản tin về tình hình bơm chích tạp chất vào tôm và công khai tên, địa chỉ và kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về tạp chất.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) rà soát, sửa đổi, hoàn thiện Chương trình Các doanh nghiệp chế biến tôm “nói không với tôm tạp chất” vận động các doanh nghiệp hội viên sản xuất chế biến tôm tham gia Chương trình.
Hội, hiệp hội ngành nghề khác có liên quan đến sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm (các hội/hiệp hội thủy sản các địa phương, Hội Nghề cá Việt Nam,…) tuyên truyền, phổ biến, vận động các hội viên tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện, xử lý vi phạm
Về hoạt động kiểm tra thường xuyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm soát, ngăn chặn tạp chất kết hợp kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản xuất khẩu và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm soát, ngăn chặn tạp chất của các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm trong quá trình vận chuyển, lưu thông, phân phối sản phẩm trên thị trường và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Bộ Công an tổ chức triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, trinh sát để đấu tranh phòng ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định về kiểm soát ngăn chặn tạp chất kết hợp kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản tiêu thụ nội địa trên địa bàn và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, tổ chức thanh tra theo kế hoạch và đột xuất, thanh kiểm tra liên ngành tăng cường tháng cao điểm nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm tạp chất.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc