Người tâm thần gây thảm án: Xử lý thế nào?

07:14, 04/12/2016
|

(VnMedia) - Thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ trọng án do người bị bệnh tâm thần gây nên. Điều này khiến người dân hết sức lo lắng về việc quản lý người bị bệnh tâm thần trong xã hội. Ở góc độ pháp lý, sự việc được giải quyết như thế nào?

Gần đây nhất là vụ án mạng do người tâm thần gây nên, xảy ra tại rạng sáng ngày 1/12, tại địa bàn thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) khiến 4 người thiệt mạng và một người khác được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng.

Đối tượng Phù Minh Tuấn bị bắt giữ sau khi gây án.
Đối tượng Phù Minh Tuấn bị bắt giữ sau khi gây án.

Theo lời kể của anh Tẩn Văn Thường, công an viên thôn Tả Ngảo, người trực tiếp bắt giữ đối tượng gây án cho biết, vào khoảng lúc 4h sáng cùng ngày, khi tên Phù Minh Tuấn (32 tuổi) đến nhà bố đẻ là ông Phù Láo Tả (59 tuổi) rồi ra tay sát hại ông Tả cùng cháu Phù Thị Tuyết (SN 2014, con của em trai ruột Tuấn) thì ông Hủng Văn Vành (Trưởng thôn) nghe tiếng la hét thất thanh từ nhà ông Tả nên đã gọi cho anh Phù Văn Thông (Thôn đội trưởng) xuống kiểm tra tình hình.

Lúc này, do đang ở xa nên anh Phù Văn Thông gọi điện cho cháu ruột là Phù Văn Thịnh (Dân quân tự vệ thôn) đến xem tình hình.

Khi anh Thịnh đi xe máy trước cửa nhà ông Tả, do chỉ nghĩ là tranh chấp hoặc cãi nhau nên anh Thịnh đã không có sự chuẩn bị trước. Lúc này, đối tượng Phù Minh Tuấn từ trong nhà ông Tả lao ra, chém nhiều nhát vào người anh Thịnh làm anh này gục xuống. Sau đó, anh Thịnh được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi do mất máu quá nhiều.

Về phần đối tượng Phù Minh Tuấn, sau khi chém gục anh Thịnh, gã tiếp tục đi xe máy đến nhà thím ruột là bà Tải Lở Mở (51 tuổi) cách đó gần 1km. Tuấn dừng xe bên ngoài rồi xông vào nhà sát hại bà Mở và chém trọng thương cháu trai tên Phù Láo Sán (26 tuổi).

Tiếp đó, Tuấn đi ngược về nhà bố đẻ. Lúc đó, đội dân quân của thôn đã có mặt tại nhà ông Tả để phục kích. Anh Tẩn Văn Thường (công an viên) và anh Làn Văn Thành (phó công an xã) dùng gậy inox trấn áp, khống chế bắt giữ đối tượng vào lúc 5h sáng.

Trước những vụ việc người tâm thần gây án, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Qua công tác tham gia bào chữa cho các Bị can, Bị cáo là người bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong khi phạm tội là rất nhiều với những hậu quả giết người hết sức đau lòng và thương tâm.

Căn cứ Điều 104 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự”; Điều 126 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định khởi tố bị can: “Khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”.

Đối với trường hợp nêu trên, sau khi đã có đủ căn cứ xác định đối tượng gây án thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can về tội Giết người theo qui định tại Điều 93 Bộ Luật Hình sự.

Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định đối tượng đã từng bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu bất ổn về tâm lý mà cơ quan điều tra có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải ra quyết định: Quyết định tạm đình chỉ điều tra theo điều 160 Bộ Luật Tố tụng Hình sự cho bị can đi giám định tâm thần; Quyết định trưng cầu giám định theo điều 155 Bộ Luật Tố tụng Hình sự để xác định năng lực trách nhiệm hình sự.

Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị can. Kết luận giám định sẽ xảy ra 02 trường hợp:

Thứ nhất, nếu bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.

Thứ hai, nếu bị can bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi đã được Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ đưa họ đi chữa trị cho đến khi ổn định, rồi bàn giao cho gia đình và địa phương.

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cá nhân, cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Như vậy trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình, nó phụ thuộc vào đều kiện hoàn cảnh kinh tế, sự e ngại không muốn cho mọi người biết có người nhà bị bệnh,..

Bên cạnh đó cũng theo qui định của Bộ Luật Dân sự, khi người bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì phải được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó thì cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên.

Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ. Như vậy kể cả trong trường hợp nếu người bị bệnh tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự thì người giám hộ nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo Điều 606 Bộ luật dân sự.

Phương Mai


Ý kiến bạn đọc