Kỷ niệm 60 ngày đêm vây hãm quân thù trong lòng Hà Nội

19:25, 12/12/2016
|

(VnMedia) - 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, đồng thời quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Suốt 70 năm, những kỷ niệm vẫn còn in đậm trong tâm trí của những con người đã có mặt trong giờ phút lịch sử hào hùng đó của Thủ đô Hà Nội, của dân tộc Việt Nam.

Trung tướng Chu Duy Kính (thời kháng chiến là Hải Cóc), trước là chiến sĩ bảo vệ của cơ quan Thành ủy Hà Nội, trước khi nghỉ hưu công tác ở Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô Hà Nội 10 năm, từng là đại biểu Quốc hội của Hà Nội.

Tướng Kính kể: Năm 1946, ông là chiến sĩ bảo vệ cơ quan của Thành ủy Hà Nội, thường đi công tác lên Ô Cầu Dền để đưa công văn, chỉ thị.

Khi Pháp đánh qua Vĩnh Tuy chiếm chợ Mơ và Bạch Mai, ông hoạt động trong nội thành, được phân công làm Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền (khi đó gọi là Đội Hoạt động), có nhiệm vụ tuyên truyền kháng chiến, rải truyền đơn, xây dựng cơ sở kháng chiến để ẩn náu.

Năm 1949, lúc chỉ mới 19 tuổi, ông Kính bị Sở Mật thám bắt tra tấn 1 tháng, bị giam ở sân bay Bạch Mai. Vượt ngục thành công, ông Kính trở về Thành ủy báo cáo và đề nghị với Bí thư Trần Quốc Hoàn cho lợi dụng đường ống cống thoát ra để trở lại đánh sân bay Bạch Mai. Trận đánh diễn ra với 32 người, phá 25 máy bay và đốt cháy kho xăng của sân bay Bạch Mai. Trong trận đánh này, một người đã hy sinh.

“Khi nghe lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, lúc đó tôi còn trẻ (mới 16 tuổi) nhưng đã mang trong mình tinh thần chiến đấu. Đối với Hồ Chủ tịch và cấp trên, đối với Đảng ủy, chúng tôi tin tưởng tuyệt đối. Nghe lời Bác Hồ nói thì chúng tôi xông ngay ra mặt trận” - Tướng Chu Duy Kính chia sẻ.

Chu Duy Kính
Trung tướng Chu Duy Kính

Nhắc về kỉ niệm sâu sắc nhất trong 60 ngày Toàn quốc kháng chiến, Trung tướng Chu Duy Kính nói:

“Đêm hôm đó, tôi đang đứng ở Ngã Tư Sở, đại bác của pháo đài Láng sáng rực. Mỗi phát đại bác nổ rầm sáng rực một góc trời Hà Nội rất hùng dũng. Biết rằng chiến đấu chống Pháp khó khăn, gian khổ vì quân đội Pháp rất thiện chiến, vũ khí hiện đại, mình mới vào cuộc kháng chiến chưa có kinh nghiệm, nhưng vẫn luôn tin tưởng vào thắng lợi, nhất định sẽ có ngày về. Tất cả chúng tôi tin tưởng về ngày về nên vững tin chiến đấu. Nam Cao có viết “5 cửa ô đoàn quân tiến về”, Nguyễn Đình Thi làm bài thơ “Ngày về” đúng tâm tư, tình cảm của người lính. Có niềm tin nên có sức mạnh chiến đấu. Mình biết rằng mình có thể chết, có thể bị lôi ra trường bắn nhưng Hà Nội sẽ giải phóng, đất nước sẽ giải phóng.

“Lúc đó tôi cũng không nghĩ rằng mình bắt đầu cuộc kháng chiến hùng dũng như vậy. Chỉ nghĩ rằng có một tín hiệu, một giờ hẹn, đến giờ đó tất cả cùng nổ súng. Nhưng cuối cùng, ta bắt đầu mở màn cuộc kháng chiến không phải dùng súng trường ngay mà đầu tiên bằng những phát đại bác 75 li, đối với ta lúc đó là to lắm rồi. Cả 4 pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối nã vào Hà Nội. Tiếng pháo đó đã cổ vũ tinh thần quân ta, làm Pháp hốt hoảng”, Trung tướng Chu Duy Kính kể lại.

Nói về cảm xúc cùng đoàn quân rút khỏi Hà Nội, Trung tướng Chu Duy Kính chia sẻ: “Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh nói đánh Pháp là đánh lâu dài. Chúng tôi rút đi mang theo một niềm tin nhất định sẽ chiến thắng và quay trở lại Hà Nội. Chiến thắng nhiều chiến dịch như chiến dịch chiến khu Việt Bắc, chiến dịch Trung du, chiến dịch ở Quảng Ninh, chiến dịch Hà Nam Ninh, chiến dịch Hòa Bình và đến chiến dịch Điện Biên Phủ là ngã ngũ. Và cuối cùng ta toàn thắng”.

Nếu như ký ức ngày rút khỏi Hà Nội là một niềm tin mãnh liệt, thì kỷ niệm ngày trở về, với ông Kính, là một Hà Nội khoảng 20 vạn dân, thưa thớt, với phố Khâm Thiên nghèo, toàn nhà thấp tầng. “Sau 70 năm, tôi thấy Hà Nội đã phát triển gấp hàng trăm lần, và tôi nghĩ sẽ không dừng lại ở đây. Như vậy là đã hơn cả ước mơ gấp 5, gấp 10 Hà Nội xưa của Bác” - Trung tướng Chu Duy Kính nói.

Là một trong những nhân chứng, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trên địa bàn Hà Nội, khoảng thời gian 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/02/1947) vây hãm kẻ thù trong lòng Hà Nội luôn in đậm trong tâm trí Trung tướng Khuất Duy Tiến.

Khuất Duy Tiến
Trung tướng Khuất Duy Tiến

Nhớ lại thời điểm cách đây 70 năm, khi Hà Nội là địa phương mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc, Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 kể: “Vào lúc 20h03, ngày 19/12/1946, khi ánh đèn của Nhà máy điện Yên Phụ tắt, những phát đạn đại bác từ pháo đài Láng bắn vào quân Pháp ở thành Hà Nội, báo hiệu cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc ta bắt đầu.”

Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ, dù đã 70 năm trôi qua, nhưng cho đến hôm nay, ông vẫn giữ nguyên trong trái tim mình những kỷ niệm về không khí sục sôi của ngày đầu toàn quốc kháng chiến, khi khí thế cách mạng tràn ngập khắp nơi.

“Bác Hồ đã nói “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…” và, “Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta…”. Lời của Bác đã khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất, trở thành ánh sáng soi đường, thôi thúc cổ vũ toàn dân, toàn quân đi đến thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp”, Trung tướng Khuất Duy Tiến nhấn mạnh.

Cũng là một nhân chứng của 60 ngày đêm lịch sử đó, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, khi đó là Trung đội trưởng Đội Tự vệ Cứu quốc Hoàng Diệu. Đây là lực lượng bộ đội địa phương đầu tiên của Hà Nội do Thành ủy tổ chức để bảo vệ Thành ủy, Xứ ủy và phối hợp với công an giữ trật tự cho thành phố.

Vào ngày 2/9/1945, khi ấy ông Cư 19 tuổi. Ông được vinh dự cùng các đồng đội bảo vệ Lễ đài trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. “Chúng tôi tin tưởng vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sau này bước vào hai cuộc kháng chiến mang theo Lời thề độc lập trong trái tim”, Trung tướng Phạm Hồng Cư nói.

“Đối với nhân dân cả nước, ngày đó là ngày giải phóng Thủ đô, nhưng đối với chúng tôi, đó là ngày về lịch sử”, Trung tướng Phạm Hồng Cư tự hào chia sẻ.

Ngày 18 và 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiều ngày 19/12/1946, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày và giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, đồng thời quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.

Sáng ngày 20/12/1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết ngày 19/12/1946) được phát đi khắp cả nước:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc