Khoảng 7.000 nhân sự tài chính ngân hàng đối mặt với nguy cơ thất nghiệp

22:03, 02/12/2016
|

Tính toán dựa trên số liệu báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cho thấy, lượng người tìm việc trong ngành tài chính - ngân hàng nhưng không có việc khoảng 7.000 người.

Chiều nay 2/12, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý III năm 2016.

Theo bản tin cập nhật mới nhất, so với quý II năm 2016, thị trường lao động quý III có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế không tạo ra nhiều việc làm, tỷ lệ lao động làm công ăn lương giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.

Cụ thể, quý III/2016, cả nước có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý III/2015.

Trong số những người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có chuyên môn kỹ thuật 456.000 người thì nhiều nhất ở nhóm trình độ đại học trở lên 202.000 người, cao đẳng chuyên nghiệp 122.000 người, và trung cấp chuyên nghiệp 73.000 người.

Đồ hoạ. 
Đồ hoạ. K.Linh.

Về nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, quý III có 244.000 chỗ làm việc được các doanh nghiệp đăng tuyển dụng, tăng 7,7% so với quý trước. Số người có nhu cầu tìm việc làm là 71.600 người, tăng 26% so với quý trước trong đó số người tìm việc có bằng cấp chiếm 81,2%. 

Trong đó, nhóm nghề người lao động tìm việc nhiều là kế toán - kiểm toán chiếm 31,5%, tài chính ngân hàng chiếm 11,7%, lao động phổ thông chiếm 10,9%. 

Tuy nhiên, thị trường lao động đang có sự mất cân đối ở một số nghề. Nhiều người tìm công việc tài chính - ngân hàng hay kế toán - kiểm toán nhưng không nhiều doanh nghiệp tuyển dụng vị trí này. 

Tính toán của phóng viên cho thấy, với 11,7% lao động tìm việc trong ngành tài chính ngân hàng nhưng nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng đồng nghĩa với khoảng 7.000 nhân viên tài chính ngân hàng đang không có việc làm.

Đồ họa: 
Đồ họa: Kiều Linh.

Về thu nhập của lao động làm công hưởng lương, quý III/2016, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 4,93 triệu đồng, tăng 80.000 đồng (1,7%) so với quý II/2016. Trong đó, lao động làm trong ngành kinh doanh bất động sản có thu nhập cao nhất, tiếp theo là nhóm tài chính - ngân hàng, bảo hiểm. 

Lao động làm trong khu vực nhà nước có thu nhập bình quân tháng cao nhất, 6,54 triệu đồng. Lao động khu vực FDI có mức lương cao thứ hai, 5,56 triệu đồng. Đứng thứ ba là lao động trong khu vực ngoài nhà nước, bình quân 5,51 triệu đồng và thấp nhất là khu vực tập thể.  

Theo Tri thức trực tuyến


Ý kiến bạn đọc