Hà Nội: Thanh tra xây dựng cố tình bao che vi phạm

07:00, 08/12/2016
|

(VnMedia) - Lãnh đạo Hà Nội thừa nhận, một số bộ phận không nhỏ cán bộ thanh tra xây dựng còn cố tình bao che hoặc có phát hiện nhưng không báo cáo, đùn đẩy trách nhiệm...

Lê Văn Dục
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục

Gửi câu hỏi chất vấn đến UBND Thành phố, các đại biểu HĐND Thành phố nêu lên một thực tế, đó là qua báo cáo và khảo sát cho thấy nhiều dự án xây dựng, công trình cao tầng vi phạm về quy hoạch, số tầng, chiều cao, mật độ xây dựng, diện tích sàn, sử dụng sai công năng so với thiết kế được duyệt không được xử lý kịp thời, dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh dẫn đến công trình vi phạm nghiêm trọng... việc xử lý cưỡng chế phá dỡ rất khó khăn, gây thiệt hại cho xã hội, và mất ổn định tình hình an ninh trật tự tại khu vực.

Các đại biểu đề nghị UBND Thành phố cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan nào để xảy ra vi phạm? Giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trình bày phần trả lời của UBND Thành phố tại phiên chất vấn ngày 7/12, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại nói trên là do một số chủ đầu tư dù biết xây dựng sai phép, sai quy hoạch nhưng vẫn cố tình vi phạm trật tự xây dựng, không chấp hành các Quyết định của các cơ quan chức năng và tìm mọi cách để chống đối gây khó khăn trong quá trình xử lý.

Đặc biệt, phần trả lời chất vấn do ông Hùng trình bày thừa nhận, một số công trình có vi phạm nhưng lực lượng Thanh tra xây dựng phát hiện chậm, báo cáo chưa kịp thời với cơ quan cấp trên để có biện pháp xử lý. Một số công trình đã vi phạm, chỉ đến khi công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng mới kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm dẫn đến gây khó khăn trong việc phải cưỡng chế phá dỡ, hậu quả khó khắc phục (ví dụ công trình 93 Lò Đúc, dự án Đại Thanh; 8b Lê Trực, số 3 ngõ 8 Lý Nam Đế...).

Ngoài ra, theo ông Hùng, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính không kịp thời, khi công trình vi phạm bị phát hiện, lập biên bản, chính quyền địa phương đã ban hành Quyết định đình chỉ, song các chủ đầu tư không thực hiện; chính quyền địa phương chưa kiên quyết trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn...

Lãnh đạo UBND Thành phố cũng thừa nhận, một số bộ phận không nhỏ cán bộ thanh tra xây dựng còn cố tình bao che hoặc có phát hiện nhưng không báo cáo, đùn đẩy trách nhiệm; một số còn hạn chế về kinh nghiệm, trách nhiệm chưa cao; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế, đặc biệt trong việc kiểm tra dự án...

Trực tiếp chất vấn tại Hội trường, đại biểu Đoàn Viết Cường cho rằng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội từ nhiều năm nay đã được ví như "căn bệnh khó chữa" khi diễn ra rất phổ biến.

“Qua từng năm, các vi phạm càng tăng, trong đó chủ yếu là diễn ra trên đất công và nông nghiệp, xây dựng quá số tầng, chiều cao, thay đổi công năng sử dụng... Riêng đối với các vi phạm tại dự án công trình cao tầng, UBND Thành phố có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới? Ngoài xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng bên có liên quan có liên đới gì không?” – đại biểu Cường hỏi.

Còn đại biểu Vũ Ngọc Anh cho biết, mặc dù HĐND Thành phố cũng như UBND Thành phố đã nhiều lần có yêu cầu xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trên địa bàn nhưng càng ngày con số này càng tăng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hết năm 2015 có hơn 280 công trình vi phạm chưa được xử lý nhưng chỉ trong 9 tháng năm 2016, số công trình vi phạm đã tăng lên là 596.

“Qua đó có thể thấy rằng công tác quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế và ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ đầu tư, công trình còn yếu, thậm chí biết sai nhưng cố tình vi phạm. Đề nghị UBND Thành phố cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới? đại biểu Vũ Ngọc Ánh đặt câu hỏi.

Hợp thức hoá sai phạm

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân nêu lên một thực tế, tại các dự án khu đô thị mới, nhiều dự án công trình hỗn hợp gồm nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng đã chuyển đổi công năng sang thành căn hộ để bán khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Sai phạm này xâm phạm và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi pháp của người dân, như không được đăng ký thường trú, không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà...

Theo đại biểu Nguyên Quân, điều đáng nói là các vi phạm này không được cơ quan chức năng của Thành phố kiểm tra xử lý kịp thời, còn rất nhiều dự án chưa xử lý như ví dụ như Đại Thanh, Kim Văn – Kim Lũ, Đại Kim, dự án hỗn hợp dịch vụ số 6 Linh Đàm, dự án tổ hợp chung cư cao cấp Nam Xa La...,

"Đề nghị GĐ Sở Xây dựng cho biết trách nhiệm của Sở trong việc kiểm tra, xử lý, tham mưu cho UBND Thành phố các biện pháp xử lý đối với loại vi phạm như vậy." - đại biểu Nguyên Quân đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân cũng cho biết, một loại vi pham khác đó là có nhiều dự án công trình vi phạm về quy hoạch như chiều cao, diện tích căn hộ..., tuy nhiên, các vi phạm này không được kiểm tra, xử lý kịp thời. "Một số công trình khi bị phát hiện thì chủ đầu tư nộp phạt và làm các thủ tục chấp nhận cho điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, phần công trình vi phạm không bị phá dỡ..."

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh: "Đã đến lúc, Thành phố không thể chấp nhận tình trạng Chủ đầu tư cứ vi phạm, sau đó các cơ quan quản lý xử lý theo kiểu hợp thức hoá cho các vi phạm này." 

Trả lời các câu hỏi nói trên, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục tuy thừa nhận tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố đang diễn ra khá phổ biến. Nhưng ông Dục không nói đến trách nhiệm của Sở Xây dựng mà cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do người dân cố tình vi phạm, thậm chí có trường hợp chủ đầu tư còn cố tình che chắn mặt ngoài và tiến hành xây dựng vi phạm ở bên trong... khiến cho các vi phạm rất đa dạng và khó kiểm soát.

Ngoài ra, ông Dục còn cho biết, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đang có tình trạng “song trùng chỉ đạo” và cho rằng, để xử lý vi phạm trật tự xây dựng có hiệu quả cao chỉ có thể để một bên chỉ đạo.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc