(VnMedia) - Kích hoạt não là can thiệp y tế - sức khỏe hay là biện pháp can thiệp giáo dục? Khi vấn đề này chưa có câu trả lời thì các Trung tâm đang quảng cáo rầm rộ về phương pháp này vẫn có thể lợi dụng sự mập mờ, nằm ngoài kiểm soát của các cơ quan chức năng để thu phí gần chục triệu đồng cho mỗi khóa học.
Hoạt động không cần giấy phép
Mới đây, Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo tại TP.Hồ Chí Minh đã yêu cầu Công ty Cổ phần MBM Education (Công ty) dừng hoạt động chương trình kích hoạt não giữa cho đến khi nào chương trình này được cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dương, đại diện MBM Vietnam (đơn vị quản lý chương trình “kích hoạt não”), đây là chương trình mà MBM Việt Nam đã mua bản quyền từ MBM Global, đưa về Việt Nam triển khai, ứng dụng thực tế hơn một năm nay. “Từ khi mới đưa về Việt Nam, MBM tại Việt Nam đã liên hệ với các cơ quan có chuyên môn của TP.Hồ Chí Minh (cụ thể là Sở GD&ĐT), nhưng khi đó, cơ quan này nói rằng hiện vẫn chưa có khung nào giải quyết, nên không có ai cấp phép cho chương trình hoạt động”, ông Dương nói.
Còn tại Hà Nội, mới đây Trung tâm Trí tuệ Việt (trên đường Thái Hà, quận Đống Đa) cũng đã đột ngột đóng cửa trước khi đoàn kiểm tra đến làm việc. Hóa ra Trung tâm này treo biển quảng cáo rầm rộ về chương trình "kích hoạt não" nhưng... chưa hề xin cấp phép hoạt động.
Trẻ em tham gia khóa học Kích hoạt não |
Ông Nguyễn Việt Cường (Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội) cho biết, Trung tâm Trí tuệ Việt không phải là cơ sở hoạt động thuộc lĩnh vực y tế. “Kích hoạt não” cũng hoàn toàn không phải là biện pháp, kỹ thuật điều trị, can thiệp đã được y tế cấp phép.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến (Thứ trưởng Bộ Y tế) cho biết, nếu là phương pháp mới trong y tế thì phải có chứng minh, thử nghiệm lâm sàng, được thẩm định, giám sát của Hội đồng đạo đức y sinh. Hiện tại chưa có phản ánh “kích hoạt não” gây hậu quả cho các trẻ nhỏ đã đến "kích hoạt", nhưng các phương pháp điều trị, can thiệp có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt với trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm, nếu can thiệp, giảng dạy sai lệch còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về trí lực.
Quản lý, xử lý ra sao?
Một số luật sư nhận định, để giải quyết triệt để vấn đề này thì cơ quan quản lý cần làm rõ “kích hoạt não” là can thiệp y tế - sức khỏe hay là biện pháp can thiệp giáo dục, để từ đó có biện pháp quản lý, chấn chỉnh, tránh tình trạng mập mờ, nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, nếu đây là phương pháp mới trong y tế thì phải có chứng minh, thử nghiệm lâm sàng, được thẩm định, giám sát của Hội đồng Đạo đức y sinh học.
Trước hết, phương pháp này phải được thẩm định, giám sát cẩn trọng vì đối tượng nghiên cứu và áp dụng của phương pháp này là con người. Điều tiên quyết trong vấn đề này đó là đạo đức. Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học là các nguyên tắc, các chuẩn mực áp dụng trong các nghiên cứu y sinh học liên quan đến đối tượng nghiên cứu là con người.
Ba nguyên tắc cơ bản của đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, đó là: 1. Tôn trọng: tôn trọng quyền cá nhân, bao gồm quyền tự lựa chọn của đối tượng tham gia nghiên cứu và bảo vệ những đối tượng không có khả năng tự quyết; 2. Hướng thiện: thực hiện nghiên cứu là làm điều tốt, tránh điều có hại; lợi ích dự kiến phải vượt xa các nguy cơ tiềm ẩn; 3. Công bằng: bảo đảm phân bố đều về trách nhiệm và lợi ích của đối tượng tham gia nghiên cứu, nghiên cứu viên, nhà sản xuất, của cá nhân cũng như của xã hội.
Nếu các phương pháp “kích hoạt não giữa” này nhằm vào đối tượng là trẻ em có độ tuổi nhất định thì đã “vấp” ngay từ nguyên tắc đầu tiên, đó là phải “tôn trọng quyền tự lựa chọn của đối tượng tham gia nghiên cứu và bảo vệ những đối tượng không có khả năng tự quyết”. Các em nhỏ chưa thể tự quyết được vấn đề có hay không tham gia vào nghiên cứu này, còn cha mẹ của các em thì sao, chắc hẳn chẳng ai muốn biến con mình thành “chuột bạch” cho những nghiên cứu về não bộ - một lĩnh tiềm ẩn nguy cơ như thế cả.
Những lời quảng cáo "có cánh" của Trung tâm Trí tuệ Việt |
Nếu coi đây là một phương pháp can thiệp về giáo dục thì phải xem xét tới những lời quảng cáo “có cánh” của các Trung tâm này rằng trẻ em sau khóa học sẽ: có thể đọc sách không cần nhìn; có khả năng thần giao cách cảm; ghi nhớ siêu tốc độ và thời gian nhớ rất lâu; có khả năng đọc với tốc độ 300 trang sách trong vòng 10 phút...
Với mức học phí vào khoảng 9,5 triệu đồng/khóa học 3 tháng (chỉ có 2 ngày đầu học tập trung, những buổi còn lại học sinh có thể luyện tập ở nhà hoặc ở trường mà không cần có giáo viên), liệu số tiền các bậc phụ huynh bỏ ra có tương xứng với những gì mà các Trung tâm này hứa hẹn?
Nếu trẻ em sau khi trải qua khóa học này không có những khả năng “siêu phàm” như trong quảng cáo thì sao? Theo quy định tại Khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại thì “Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ” là hành vi bị cấm.
Chính vì vậy, việc làm rõ những căn cứ pháp lý, khoa học của phướng pháp “kích hoạt não giữa” này là việc làm vô cùng cần thiết. Nếu chưa có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn, chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý mà các Trung tâm này vẫn thản nhiên móc túi của các bậc phụ huynh; áp dụng những phương pháp ẩn chứa rủi ro lên trẻ em là điều không được phép tiếp diễn...
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc