Áp thấp nhiệt đới vào bờ, TP. HCM lên kế hoạch ứng phó

14:35, 12/12/2016
|

Ngay khi xuất hiện áp thấp nhiệt đới gần bờ gây mưa dông và gió giật ở khu vực Nam Bộ, UBND TP. HCM đã ra công văn khẩn ứng phó gửi UBND huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản đề nghị  triển khai thực hiện Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn.

 

Theo dự báo, áp thấp nhiệt đới sẽ hướng thẳng vào TP.HCM. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương
Theo dự báo, áp thấp nhiệt đới sẽ hướng thẳng vào TP.HCM. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

Công văn yêu cầu đơn vị trên cần theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, khẩn trương thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới; các tàu thuyền đã vào bờ phải hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đúng kỹ thuật, đúng quy định.

Ngoài ra phải duy trì thông tin, liên lạc với các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển và dân cư ven biển, đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ; kiểm đếm, nắm chắc số lượng, vị trí tàu thuyền, thuyền viên trên mỗi tàu.

UBND huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè tổ chức rà soát, kiểm tra dân cư sống ven sông, ven biển, vùng trũng thấp, xung yếu, nhà tạm bợ, lồng, bè nuôi trồng thủy sản để có phương án chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người.

Các lực lượng, đơn vị làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ trên biển, sông, rạch khi cần thiết.

Trước đó, như báo điện tử VnMedia đã thông tin,  theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương vào lúc 7h sáng ngày 12/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,4 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bến Tre khoảng 300 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới đã mạnh thêm một ít (cấp 6-7, giật cấp 8-9).

Hồi 10h (ngày 12/12), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,5 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bến Tre khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 8-9. 

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km. Đến 22 giờ ngày 12/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,9 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre khoảng 120km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8-9. 

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km. Đến 10 giờ ngày 13/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Bình Thuận-Bến Tre. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9. 

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trên biển (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): từ vĩ tuyến 8,0 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 12,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Sóc Trăng (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-3 m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Từ đêm nay (12-12), vùng ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre có gió giật mạnh cấp 6-7. 

Ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và rải rác có giông, trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa từ nay đến hết ngày 13-12 ở Quảng Ngãi đến Bình Thuận 100-150 mm, khu vực Nam Bộ 50-100 mm. Trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có khả năng xuất hiện lũ kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay mực nước hạ nguồn sông Cửu Long và sông Sài Gòn đang lên theo kỳ triều cường. Mực nước hạ nguồn sông Cửu Long và sông Sài Gòn tiếp tục lên và đạt đỉnh vào ngày 14, 15-12, mực nước tại các trạm chính vùng hạ nguồn sông Cửu Long và sông Sài Gòn lên mức báo động (BĐ)2-BĐ3, có nơi trên BĐ3.

Trên sông Tiền tại Mỹ Thuận lên mức: 1,85 m (trên BĐ3: 0,05 m); tại Mỹ Tho: 1,6 m (ở mức BĐ3). Trên sông Hậu tại Cần Thơ lên mức: 1,9 m (ở mức BĐ3); tại Long Xuyên: 2,2 m (ở mức BĐ2).

Trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An lên mức: 1,60 m (trên BĐ3 0,1 m). Do ảnh hưởng mưa lớn của áp thấp nhiệt đới kết hợp với kỳ triều cường, nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng thấp tại một số tỉnh, thành Nam Bộ và khu vực TP.HCM. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Hữu Nguyên


Ý kiến bạn đọc