Trưởng công an phường kể lại thời điểm bị kẻ khống chế con tin đâm vào cổ
16:59, 29/11/2016
|
Thiếu tá Nguyễn Hoài Sơn, Trưởng Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, người bị kẻ khống chế con tin Bệnh viện Bạch Mai đâm vào cổ rạng sáng 27/11, đã kể lại giây phút này.
Sáng 29/11, sức khỏe của thiếu tá Nguyễn Hoài Sơn đã ổn định phần nào. Trong căn phòng có nhiều hoa tươi tại Bệnh viện Bạch Mai, bằng giọng nói còn hơi yếu, thiếu tá Sơn kể: “Sau khi lực lượng công an thuyết phục đối tượng thả con tin ở bệnh viện bất thành, đối tượng khống chế con tin đã yêu cầu tôi lái xe chở anh ta đến Ninh Bình.
Đến chân cầu Thanh Trì, anh ta yêu cầu tôi dừng xe và trao đổi thỏa thuận là đi quá 1 km nữa sẽ thả con tin ra. Sau đó tôi yêu cầu phải thả con tin ra vì con tin đang chảy máu. Đối tượng yêu cầu tôi sang ghế phụ ngồi, ngay sau đó anh ta dùng dao đâm tôi từ phía sau vào cổ. Giây phút sau đó, tôi vẫn gắng cùng anh em khống chế, bắt giữ được đối tượng”.
Bên giường bệnh, chị Trần Thúy Nga, vợ thiếu tá Sơn tận tình chăm sóc chồng. Đôi mắt đỏ hoe, chị Nga bộc bạch: “Hôm đó là ngày nghỉ, tôi ở nhà, còn anh Sơn phải đi trực. Tôi không hề hay biết chuyện cho đến khi anh Sơn được phẫu thuật xong, các đồng nghiệp lo tôi mất bình tĩnh đã không thông báo gì về việc anh bị đâm dao vào cổ”.
Liên quan tới vụ dùng dao khống chế con tin xảy ra tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), chiều 27/11, Công an Q.Đống Đa (Công an TP.Hà Nội) cho biết đã bắt được Phạm Thế Loát (29 tuổi, H.Yên Mô, Ninh Bình).
Chị Nga là cán bộ làm việc tại Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội. Vợ chồng cùng ngành, chị hiểu hết những vất vả và hiểm nguy của công việc mà chồng đang cống hiến.
Chị chia sẻ: “Anh Sơn từng là Đội phó đội hình sự, Công an quận Đống Đa, 2 năm nay anh ấy là Trưởng công an phường Phương Mai. Tôi biết những gian nguy trong công việc của chồng, chỉ biết động viên anh thôi. Ngày chạy đến viện, tôi khóc ròng, lo lắm. Nhờ sự cấp cứu kịp thời của các y bác sĩ, anh đã qua cơn nguy kịch”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhớ lại khoảnh khắc hơn 2 giờ sáng ngày chủ nhật, 27.11: “Tôi nhận được điện thoại của anh em trực lãnh đạo rằng Trưởng công an phường Phương Mai sau khi vào giải cứu con tin bị đâm trọng thương ở vùng cổ, vết thương ở vùng hõm, rất nguy hiểm. Tôi đôi đã chỉ đạo bác sĩ trực khẩn cấp cấp cứu, điều ngay tiến sĩ Dương Đức Hùng, chuyên gia về mạch máu, khẩn trương cấp cứu cho thiếu tá Sơn vì nguy cơ tử vong rất cao. Rất may điều tồi tệ đó đã không xảy ra”.
Sáng nay, tiến sĩ Trần Ngọc Hùng, Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đến hôm nay tính mạng thiếu tá Nguyễn Hoài Sơn đã không còn bị đe dọa: “Vết thương của thiếu tá Sơn là ở cổ, liên quan nhiều mạch máu quan trọng của cơ thể, không xử lý theo dõi sát sao sẽ có hậu quá khó lường. Bây giờ bên mặt bên phải thiếu tá Sơn hơi tê bì, chúng tôi đã cho chụp cộng hưởng từ và sẽ hội chẩn”.
Chị Trần Thúy Nga, cán bộ Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội chăm sóc chồng
Cho đến sáng nay, 29/11, bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Ngân, 27 tuổi, quê ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, người bị khống chế ở Bệnh viện Bạch Mai, vẫn còn nguyên sự hoảng sợ.
Chị Ngân kể lại với phóng viên Thanh Niên: “Lúc đó là 2 giờ sáng, tôi vừa truyền máu xong, đang nằm dưới đất vì nhường giường cho một bà cụ yếu hơn. Tôi thấy đau người quá nên bảo với chị tôi. Anh ta (đối tượng khống chế chị Ngân - PV) đang chăm vợ ở giường bên cạnh còn dậy đỡ tôi lên nằm cùng giường với vợ anh ta. Bỗng nhiên, sau đó 4, 5 phút, tôi bỗng thấy anh ấy kề dao vào cổ tôi. Tôi bảo “Ôi, anh làm gì em đấy”.
Vợ anh ta bảo tôi, anh ấy trêu đấy, tôi bảo: “Trêu gì cái kiểu này”. Ngay sau đó, anh ta lật người tôi lên và cứ thế dí dao vào cổ tôi. Cả phòng bệnh hoảng sợ, anh ấy bắt mở cửa phòng, cứ thế bắt tôi đi ra ngoài. Anh ta cũng bắt vợ đi theo”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Ngân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Với chị Ngân, thiếu tá Nguyễn Hoài Sơn là ân nhân cứu mạng. Chị Ngân đã nói gia đình xuống cảm ơn thiếu tá Sơn, bởi không có anh, chị đã không còn sống được tới hôm nay.
“Khi tôi bị khống chế, nhiều bác sĩ, bảo vệ ùa ra, họ trấn an tôi. Tôi sợ quá, không nói được gì. Ở bệnh viện cũng như lúc ngồi trên ô tô, anh ta không ra điều kiện gì với tôi. Tôi bị bệnh giãn tĩnh mạch, giảm tiểu cầu, nếu đứt mạch máu sẽ không cầm máu được và sẽ chết, nên lúc bị kề dao, tôi xác định là tôi sẽ chết. Khi anh ta lao lên đâm anh công an, tôi đẩy cửa xe, chạy ra và hô “cướp cướp”, sau đó mọi người bế tôi lên xe cấp cứu, tôi không hay biết gì nữa. Anh công an đã rất dũng cảm, anh đã cho tôi cuộc sống này”, chị Ngân xúc động.
Ý kiến bạn đọc