Những người được bổ nhiệm bừa bãi sẽ tạo vây cánh, che chắn cho nhau

16:22, 03/11/2016
|

(VnMedia) - "Suy thoái đạo đức dẫn đến chuyện bổ nhiệm bừa bãi thì những người được bổ nhiệm đó sẽ vây cánh lại với nhau, tham nhũng, làm những điều tiêu cực, sai trái, che chắn cho nhau khiến cho không xử lý được..." -  đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói.

Nguyễn Huy Hoàng
Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Trịnh Xuân Thanh

Như VnMedia đã đưa tin, sáng nay (3/11), đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) khi phát biểu trước Quốc hội đã nói rằng, vấn đề hết sức quan trọng là đạo đức cán bộ đã chưa được quan tâm đúng mức, khi xem xét bố trí cán bộ thì nặng về đánh giá hiệu quả công tác và sự nhanh nhạy, năng động  mà ít nói đến đạo đức. Theo đại biểu Dương Văn Thống “đây là lệch lạc không thể xem thường”.

Trao đổi về quan điểm này bên hành lang Quốc hội sáng 3/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết: “Ý kiến này thực ra đã được phản ánh trong báo cáo chính thức của Chính phủ, nhà nước, Quốc hội và của Đảng. Đó là tình trạng suy thoái đạo đức. Ý kiến này hoàn toàn là chính xác.

- PV: Theo đại biểu Dương Văn Thống thì trong 4 chữ cần, kiệm, liêm, chính, chúng ta chưa thực sự quan tâm đến liêm, chính. Vậy cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Như các nghị quyết, các báo cáo đã nói, chúng ta chưa đẩy lùi, chưa ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, đây là những điều đi ngược lại với liêm, chính, cần có giải pháp và biện pháp.

Sắp tới Quốc hội sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, đây sẽ là biện pháp của cơ quan lập pháp để có bước đột phá trong xây dựng liêm chính trong đội ngũ cán bộ công chức.

- Vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói đến việc phải có cái “lồng” để kiểm soát quyền lực. Vậy theo ông, cái lồng này phải thiết kế như thế nào để thực hiện được mục tiêu đó?

Cái “lồng” là Tổng Bí thư nói hình tượng cho dễ hiểu, còn bản chất ý của Tổng Bí thư, theo tôi nhận thức, là thực ra phải bắt đầu từ Hiến pháp. Hiến pháp đã quy định, mọi tổ chức, cá nhân, ngành, cấp, mọi giới... phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Đảng cũng vậy, mọi đảng viên và tổ chức phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật.

Câu nói này của Tổng Bí thư rất đúng, cái “lồng” pháp luật, cái “lồng” cơ chế chính là những quy định pháp luật, những khung pháp lý hiện có, cao nhất là Hiến pháp, theo đúng nguyên tắc nhà nước pháp quyền không từ một ai, ai cũng phải ở trong cái “lồng” đó, hay là  trong hành lang pháp lý đó. Vấn đề là lâu nay chúng ta nói nhưng chưa làm được, do vậy, phải làm thế nào để  luật pháp được nghiêm minh.

Có mấy hướng đã đề ra, thứ nhất là con người, bắt đầu từ người lãnh đạo cao nhất. Người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ là Thủ tướng, tiếp theo là các Phó Thủ tướng, rồi người lãnh đạo các Bộ là các  Bộ tưởng, người lãnh đạo ở các địa phương là Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố. Phải bắt đầu từ những người đó.

Những người đó tuân thủ theo lồng pháp luật, sống và hành động theo đúng Hiến pháp và pháp luật thì mọi thứ sẽ được cải thiện đi rất nhiều. Do vậy, có chuyện khi cán bộ sai phạm, vi phạm pháp luật mà xử không nghiêm minh, thì những người cấp trên của người vi phạm có vấn đề nên mới không xử nghiêm được, hoặc là do họ hàng, hoặc là do lợi ích đan xen với nhau, hoặc thậm chí là có tiêu cực nên không xử được, còn những người đứng đầu ngay ngắn gương mẫu thì chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề về cán bộ liêm chính.

Chủ yếu là vấn đề con người, bắt đầu từ những người lãnh đạo cao nhất.

- Nói về sự gương mẫu của người đứng đầu, của cấp lãnh đạo, ông nhìn nhận như thế nào về hậu quả của việc bổ nhiệm cán bộ tràn lan, nhất là khi sắp nghỉ hưu như trường hợp ông Huỳnh Phong Tranh, người làm tới chức Tổng Thanh tra Chính phủ?

Việc bổ nhiệm sai có nhiều hiện tượng, tất cả những trường hợp bổ nhiệm đó đối với bộ  máy chúng ta hoàn toàn đều có thể kiểm tra được từng trường hợp, từng hồ sơ, giải trình rồi từ đó lọc ra. Có những trường hợp hoàn toàn hợp lý, hoàn toàn khách quan; trường hợp thứ hai là có những điểm không hợp lý, không khách quan nhưng do nể nang tình cảm; trường hợp thứ ba là có tiêu cực, sai phạm, hoàn toàn không xứng đáng, không đúng tiêu chuẩn, quy định mà vẫn bổ nhiệm.

Bộ máy của chúng ta có đủ cơ chế, năng lực để kiểm soát toàn bộ những trường hợp đó, như bổ nhiệm họ hàng người thân, bổ nhiệm hàng loạt trước khi về hưu... Trường hợp nào hợp lý thì giữ lại, trường hợp có vấn đề thì chấn chỉnh, nếu có tiêu cực hoặc dù không chứng minh được tiêu cực nhưng không lý giải được vì hoàn toàn không đúng tiêu chuẩn thì phải huỷ bỏ.

Nếu nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền, dư luận nêu lên mà không làm gì cả thì không hoàn thành trách nhiệm với nhân dân.

Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

- Chúng ta nói là đầy đủ cơ chế nhưng câu chuyện bổ nhiệm hoàng hôn nhiệm kỳ hay bổ nhiệm người thân... vẫn xảy ra. Vậy vấn đề này có phản ánh tình trạng tham nhũng không và phải làm gì để giải quyết tận gốc?

Nếu nói rộng hơn thì đây là tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, trong có những cán bộ công chức rất cao, điều này đã ghi trong Nghị quyết của Đảng.  Khuyết điểm đó, căn bệnh đó, vấn nạn đó giải thích tất cả những vấn đề còn lại. Khi đã có suy thoái đạo đức dẫn đến chuyện bổ nhiệm bừa bãi thì những người được bổ nhiệm đó, họ sẽ vây cánh lại với nhau, họ sẽ tham nhũng, làm những điều tiêu cực, sai trái, che chắn cho nhau khiến cho không xử lý được.

Hiện nay, Đảng đã xác định trách nhiệm là lực lượng lãnh đạo chịu trách nhiệm chính về việc bổ nhiệm các cán bộ trong bộ máy nhà nước. Từ cấp xã trở lên đều phải thông qua các cấp uỷ Đảng. Nhân dân chờ xem Đảng đã nhận diện được căn bệnh và đã đề ra các Nghị quyết mà gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4,  thì sắp tới đây sẽ thực hiện như thế nào.

-  Xin cảm ơn ông!

Tuệ Khanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc