Nguy hiểm chết người quanh các trạm biến áp ở Hà Nội

09:38, 19/11/2016
|

Vụ nổ trạm biến áp tại địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội khiến 5 người thương vong vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ tại các trạm biến áp trên địa bàn Hà Nội.

Hiện trường vụ nổ trạm biến áp tại Hà Đông
Hiện trường vụ nổ trạm biến áp tại Hà Đông

Nguy hiểm cận kề

Đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng bởi hình ảnh những nạn nhân kêu gào trong đau đớn do bị bỏng trong vụ nổ trạm biến áp treo tại quận Hà Đông vào chiều 17/11 vừa qua. Và có lẽ, từ trước đến nay không ai nghĩ đến mức độ và hậu quả nghiêm trọng của việc ngồi trú mưa, tránh nắng dưới trạm biến áp. Tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào từ chủ quan của người dân và sự tắc trách của đơn vị thi công.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, trú tại phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi đọc báo thấy vụ nổ trạm biến áp lại càng thêm lo lắng. Ngay đầu phố nhà tôi, có một trạm biến áp, người ta vô tư bán hàng ngay phía dưới, nhìn mà thấy nguy hiểm rồi”.

Hậu quả khi xảy ra phóng điện, nổ trạm biến áp đã quá rõ ràng nhưng với một số người dân sinh sống gần trạm biến áp, việc vi phạm về khoảng cách an toàn lưới điện vẫn thường xảy ra. Và thực trạng này đang rất phổ biến tại đô thị, nhất là khu vực đông dân cư như các quận nội thành Hà Nội.

Ngay trong sáng 18/11, phóng viên ANTĐ đã ghi nhận tại một số tuyến phố, khu dân cư đặt trạm biến áp như tại phố Hàng Chiếu, Bát Sứ, Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm); Hoàng Như Tiếp (quận Long Biên)… đều không có hàng rào, lưới bảo vệ khoảng cách an toàn.

Tại khu vực phố cổ, người dân còn tận dụng treo hàng hóa lên các thiết bị máy móc, dây dẫn điện của trạm biến áp. Bà Trần Thúy Hoàn, trú tại phố Hoàng Như Tiếp, quận Long Biên cho biết: “Tôi thấy có trạm biến áp treo tại số 88 - Hoàng Như Tiếp phát ra âm thanh lạ từ nhiều ngày qua nhưng chưa thấy thợ điện khắc phục, sửa chữa. Mỗi khi đi ngang qua chúng tôi rất lo lắng khi không may xảy ra sự cố”.

Chớ để “mất bò mới lo làm chuồng”

Thượng tá Trần Quế Thường, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 9 - quận Hà Đông, thuộc Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội cho biết: “Có nhiều nguyên nhân gây cháy nổ trạm biến áp: do chập điện, nguồn điện không ổn định, chất lượng thiết bị kém và đặc biệt do ý thức người dân. Đối với trạm biện áp gần khu dân cư cao tầng, chỉ cần ai đó vô ý làm rơi rác vướng vào dây dẫn điện nối với trạm biến áp cũng đã có thể gây chập,  nổ và gây cháy.

Ngoài ra, nguy cơ cháy nổ trạm biến áp xảy ra khi mưa bão, sét đánh… Để đảm bảo an toàn, người dân cần giữ khoảng cách với trạm biến áp, nhất là vào thời điểm những ngày mưa gió để tránh phóng điện, điện giật gây tử vong”.

Cũng theo Thượng tá Trần Quế Thường, trạm biến áp có 3 loại khác nhau:  loại dùng bằng dầu làm mát, bằng chất silicon lỏng và bằng tản nhiệt. Loại nào cũng có thể gây cháy, nổ nếu như thao tác không đúng kỹ thuật, lắp đặt không chuẩn, thiết bị không đảm bảo chất lượng và đặc biệt sự tác động phá hoại của con người.

Theo chuyên gia thuộc Phòng An toàn điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến việc cháy nổ chủ yếu là do quá tải điện. Bởi cấu tạo máy trạm biến áp, hầu như được đóng kín khí với một hoặc nhiều thiết bị xả áp đặt trên vỏ hay trên phần trên của thùng máy biến áp.

Nếu thùng máy nứt, hoặc các nút không kín dầu máy có thể chảy ra ngoài. Nếu các thiết bị này vẫn tiếp tục hoạt động có thể phá huỷ hoàn toàn những dây cuốn thiết bị và làm thùng dầu bị vỡ, đốt máy biến áp với nhiệt độ cao và dẫn đến hậu quả nổ trạm biến áp. Để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc, việc lắp đặt phải đúng kỹ thuật và cần kiểm tra trước khi vận hành.

Trước những tồn tại về việc lắp đặt hệ thống trạm biến áp, ngành chức năng cũng cần có chiến lược quy hoạch tổng thể cho từng khu dân cư. Đặc biệt, phải có cảnh báo, lắp đặt hàng rào an toàn và nghiên cứu những lá chắn thép khi không may xảy ra sự cố. Đối với những trạm biến áp có nguy cơ cao về cháy nổ, áp sát nhà người dân cần nhanh chóng di chuyển hoặc xử lý  đối với trường hợp vi phạm khoảng cách an toàn, chớ để “mất bò mới lo làm chuồng”.

(Theo ANTĐ)


Ý kiến bạn đọc