Vừa qua, trên một số trang báo điện tử có đăng thông tin: "Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam ghi nhận có đến 28 địa phương có tuyết rơi. Ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, ngày 24/1/2016, tuyết rơi tại núi Ba Vì (Hà Nội) với mật độ khá dày, đây là hiện tượng thời tiết cực hiếm xảy ra".
Trước thông tin đó, nhiều người đặt câu hỏi, liệu mùa đông năm nay, liệu Hà Nội có tuyết rơi hay không?
Về vấn đề này, trao đổi với PV, bà Lê Hạnh - Cán bộ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương (KTTVTW) cho biết: "Nói tuyết rơi đầu năm 2016 lần đầu tiên xảy ra ở Hà Nội là chưa chính xác. Thời điểm tháng 1 năm 2016, ghi nhận tại vùng núi thuộc huyện Ba Vì là hiện tượng sương giá, tức là sương do khí hậu lạnh nên đóng băng trong một vài tiếng đồng hồ".
mùa đông tuyết rơi ở SaPa |
"Mọi người phải hiểu rằng, hiện tượng sương giá, băng giá và tuyết rơi về cơ bản là khác nhau. Sương giá là hạt sương rơi xuống mặt đất, gặp thời tiết lạnh thì bị đóng băng.
Băng giá là hiện tượng mặt nước hình thành một lớp băng trên bề mặt. Còn tuyết là phải rơi từ trên trời xuống. Vì vậy, tại Ba Vì, hiện tượng đó gọi là sương giá", bà Hạnh nói.
Đối với câu hỏi liệu năm nay Hà Nội có tuyết rơi hay không, bà Hạnh cho rằng: "Với tình hình thời tiết như hiện tại cũng chưa có thể khẳng định được liệu thời gian tới Hà Nội có tuyết rơi hay không. Còn hiện tượng sương giá thì có thể xuất hiện".
"Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chưa từng có tuyết rơi. Đó chỉ là hiện tượng sương giá xuất hiện ở Ba Vì (Hà Nội). Ngoài Sa Pa, chúng tôi cũng ghi nhận ở một vài nơi từng xảy ra hiện tượng tuyết rơi như: Ô Quy Hồ (Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu), Mẫu Sơn (Cao Lộc, Lạng Sơn)", vị cán bộ Trung tâm KTTVTW khẳng định.
Cũng liên quan đến tình hình thời tiết trong nước, TS Nguyễn Đăng Quang - Cán bộ của Trung tâm KTTVTW cũng có những chia sẻ với PV VTC News.
Theo TS Quang: "Hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài đã có tác động rõ rệt đến thời tiết, khí hậu nước ta trong năm 2015 và các tháng đầu năm 2016 với một số đặc điểm nổi bật như ít bão và thiếu hụt mưa; lũ phổ biến là lũ vừa và nhỏ; nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn ở mức khốc liệt; rét đậm, rét hại kèm mưa tuyết hiếm gặp.
Từ tháng 6 tới nay, hiện tượng ENSO đã trở về trạng thái trung tính (không El Nino cũng không La Nina). Chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực NINO3.4 hiện ở mức -0,1oC vào tuần cuối tháng 11/2016".
TS. Quang cho rằng: "Hệ quả của trạng thái chuyển pha này, như chúng ta thấy, đó chính là sự gia tăng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) của năm 2016 so với năm 2015; lũ lớn đã xuất hiện trên hầu hết các sông chính ở miền Trung; và tấn suất xuất hiện mưa lớn trên toàn quốc là cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái".
"Từ nay cho tới những tháng đầu năm sau, hiện tượng La Nina vẫn có khả năng xuất hiện nhưng xác xuất không cao. Bên cạnh đó, gió mùa đông bắc mạnh kèm theo mưa trái mùa là một số điểm đáng chú ý trong thời gian sắp tới", ông Quang nói.
Còn đối với Nam Bộ, hiện tượng mưa ở các tỉnh thời gian vừa qua là do sự hoạt động mạnh mẽ của dải xoáy thấp gần xích đạo kết hợp với đới gió đông trên cao.
"Theo những nhận định mới nhất, trong các tháng mùa đông năm nay (tháng 12/2016 tới tháng 2/2017) khu vực Nam Bộ và phía nam biển Đông bao gồm quần đảo Trường Sa hiện tượng mưa trái mùa sẽ xuất hiện nhiều hơn năm 2015", ông Quang thông tin thêm.
(Theo VTV news)
Ý kiến bạn đọc