Giải tán chợ đầu mối Ninh Thuận: Chính quyền vô cảm!?

17:01, 26/11/2016
|

(VnMedia) Chỉ còn 2 tháng nữa là Tết Nguyên Đán, chính quyền UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn ra quyết định cưỡng chế thu hồi chợ đầu mối nông sản Tuấn Tài. Việc làm này khiến hàng trăm hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ vô cùng bức xúc, lo lắng.

Chợ nông sản Phan Rang
Chợ nông sản Phan Rang mới do tư nhân đầu tư thu phí cao nên người dân không vào kinh doanh

Dân chưa đồng thuận

Chợ Tấn Tài được đầu tư xây dựng từ năm 2003 do UBND phường Tấn Tài quản lý. Đây là chợ rau đầu mối tập trung nguồn rau từ các nơi trong và ngoài tỉnh, từ đó phân phối cho các nơi tiêu thụ. Hiện tại, trong chợ có khoảng 500 hộ tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán. Ngày 16/8/2016, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm ban hành thông báo và kế hoạch ngừng hoạt động kinh doanh tại chợ Tấn Tài.

Theo đó, ngày 25/11/2016, toàn bộ tiểu thương sẽ phải ngừng hoạt động kinh doanh để chuyển sang chợ nông sản Phan Rang (do công ty TNHH- TMDV sửa chữa ô tô Lân Hà làm chủ đầu tư). Tuy nhiên, các tiểu thương kinh doanh tại chợ Tấn Tài vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang chợ mới và có đơn gửi tới các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí.

Trong đơn kiến nghị gửi báo điện tử VnMedia, đại diện các tiểu thương cho biết, họ rất bất ngờ khi nhận được thông báo ngừng hoạt động chợ trong khi đó chính quyền không tổ chức họp dân để nói rõ về việc thu hồi chợ để làm gì và sau khi thu hồi thì sẽ chuyển chợ đi đâu? Đến ngày 7/10 (cận kề ngày cưỡng chế chợ), chính quyền tỉnh và thành phố mới họp dân để thông báo và yêu cầu bà con chuyển sang chợ nông sản Phan Rang cách chợ cũ khoảng 700m.

Tuy nhiên, do chợ mới nông sản Phan Rang có nhiều điểm bất cập về quy hoạch, thiết kế nên các hộ tiểu thương không muốn vào chợ này để kinh doanh.

Khu chợ cũ Tuấn Tài trước ngày cưỡng chế
Khu chợ cũ Tuấn Tài trước ngày cưỡng chế

Theo bà Nguyễn Thị Nga – hộ kinh doanh, theo quy định của Luật, chợ phải có hai cửa chính để ra vào, cửa phía Đông rộng 12m, cửa phía Tây rộng 23m. Tuy nhiên trên thực tế thì chợ này chỉ có một cửa duy nhất có chiều rộng khoảng 6m. Ngoài ra, các lối thoát hiểm xung quanh chợ không có, 4 phía chợ đều xây tường bao kín bưng, nếu xẩy ra cháy nổ bà con không biết chạy đường nào. Thêm nữa, giá thuê mặt bằng của chợ quá cao bà con không đủ tiền để mua chỗ  nên các hộ không muốn vào buôn bán tại chợ này.

“Do chỉ còn 2 tháng nữa là tết, bà con đã bỏ rất nhiều tiền để đặt hàng. Bây giờ chính quyền ép dân cưỡng chế chợ thì chúng tôi trắng tay. Chúng tôi không phải đối việc thu hồi chợ mà chỉ tha thiết mong thành phố cho các tiểu thương được kinh doanh nốt 2 tháng Tết để gỡ gạc lại vốn liếng. Sau đó, cho chúng tôi vào kinh doanh tại 1 chợ nào đó do nhà nước quản lý để đỡ được chi phí là bà con đồng thuận ngay” – Bà Nga nhấn mạnh.

Cũng theo giải thích của bà Nga, chơ Tuấn Tài là chợ bán buôn. Thời gian hoạt động rất ngắn chỉ từ 4h-8h sáng là giải tán. Khi thu hồi chợ, chính quyền lại đẩy các hộ vào kinh doanh tại các chợ ngày thì không thể bán được hàng vì vậy bà con rất lo lắng, bức xúc.

Thêm một vấn đề nữa khiến nhiều tiểu thương chợ Tấn Tài vẫn còn đang phân vân chưa muốn vào chợ mới nông sản Phan Rang là vì mức giá cho thuê mặt bằng còn cao, hơn nữa dường như có sự thiếu minh bạch.

Theo tiểu thương Nguyễn Mạnh Tiến, trong thông báo của Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận đơn giá cho thuê mặt bằng tại chợ mới là 60.000đồng/m2/ tháng. Thế nhưng, trường hợp như bà Lê Thị Thu Trâm ký hợp đồng thuê 2 lô số 03K và 04 K; diện tích 25 m2, giá cho thuê là 98,4 triệu đồng, thời hạn từ 16/11/2016 đến ngày 16/11/2020. Nếu theo quy định, giá thuê mỗi lô 25m2 chỉ là 72 triệu đồng. Như vậy số tiền chênh lệch lên tới hơn 26 triệu đồng; nhiều tiểu thương đặt câu hỏi, chủ đầu tư căn cứ vào đâu để tính giá thuê cao như vậy?

Chợ mới chưa đủ tiêu chuẩn đã ép dân vào

Theo ghi nhận của Pv tại chợ mới Phan Rang, một nửa mặt tiền của chợ đã được công ty Lân Hà sử dụng làm gara sửa chữa ô tô nên mặt tiền ra vào chợ hiện chỉ còn 6m, rất chật chội. Trong khi xe chở nông sản vào chợ đa số là xe tải lớn, nhưng đường đi lại quanh chợ lại rất nhỏ, dễ ách tắc giao thông khi nhiều xe tập trung cùng lúc. Đó là chưa kể chợ nằm tiếp giáp với nhà dân và ruộng nên không có đường quanh chợ. Điều này là không đảm bảo an toàn phòng cháy nổ theo đúng quy định. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ luôn diễn ra tấp nập, rất nhiều người qua lại thường xuyên, vì vậy giao thông là vấn đề vô cùng quan trọng để hoạt động buôn bán được thuận lợi, cũng như đảm bảo an toàn cháy nổ.

Đường đi lối lại chợ nông sản Phan Rang rất chật hẹp
Đường đi lối lại chợ nông sản Phan Rang rất chật hẹp

Một hộ kinh doanh tại chợ mới cho biết, ban quản lý chợ không cho xe máy chở hàng vào thẳng quầy buôn bán. Họ yêu cầu vào bãi gửi xe với mức giá 10.000 đồng/xe thì thử hỏi ai còn muốn vào chợ này để mua hàng.

Trao đổi với PV, ông Phan Văn Hậu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc thu hồi chợ Tuấn Tài là đúng quy trình. UBND tỉnh đã tính toán kỹ các phương án.Thứ nhất về chợ mới được đầu tư đúng quy trình, đảm bảo yêu cầu về PCCC và giao thông đi lại trong chợ. Hiện tại, chợ mới có 3  hướng giao thông chính. Tới đây, chính quyền tỉnh sẽ mở rộng thêm 1 con đường phía Tây chợ, tăng khả năng giao thông. Về phương án PCCC, tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư mở rộng thêm các lối thoát hiểm phía Bắc, phía Tây.

Đối với chợ Tuấn Tài, chủ trương thu hồi đã có từ năm 2008, thời hạn kết thúc hoạt động chợ là năm 2013. Chủ trương này qua các cuộc họp đều đã thông báo với bà con. Mới đây, tỉnh đã thông báo lần cuối cho bà con cách đây 3 tháng, nhiều hộ đã đồng thuận di chuyển còn một số người vẫn chống đối không di dời. Theo kế hoạch sáng ngày 26/11, chính quyền đã thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ chợ.

Trong khi những kiến nghị, khúc mắc của hàng trăm hộ tiểu thương chưa được giải quyết thỏa đáng thì  chính quyền tỉnh Ninh Thuận vẫn thực hiện lệnh cưỡng chế chợ. Đặc biệt, thời điểm cưỡng chế lại cận kề  Tết nguyên đán – thời điểm tốt nhất trong năm để bà con kinh doanh buôn bán nông sản đã khiến bà con nhân dân oán giận. 

Không những thế, khi tác nghiệp tại hiện trường, nhóm PV chúng tôi và các hộ tiểu thương đã gặp phải sự cản trở quyết liệt của lực lượng công an. Đã có hàng trăm cán bộ an ninh, hình sự theo sát từng bước đi, quay phim, chụp ảnh lại toàn bộ quá trình chúng tôi tác nghiệp. Các cán bộ công an tỉnh Ninh Thuận đã áp chế quát tháo không cho quay phim của Đài truyền hình Việt Nam tác nghiệp. Thậm chí, họ còn thu luôn thẻ, chứng minh thư của người quay phim này trái pháp luật. Không những thế, trong khi làm việc với đám đông, một đồng chí công an mặc thường phục (về sau chúng tôi xác minh vi này là trưởng công an TP Phan Ranh -) đã lớn tiếng quát tháo cấm được quay phim vì ông là chủ của khu chợ này khiến người dân và nhóm PV vô cùng bức xúc.

Khánh An (ghi)


Ý kiến bạn đọc