Đập tường, thông phòng nhà ở xã hội, Bộ trưởng biết không?

19:52, 11/11/2016
|

Trước thực trạng nhà ở xã hội được sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đã đặt ra nhiều câu hỏi với Bộ Xây dựng.

Trong chất vấn gửi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu vấn đề: Nhà ở xã hội là chính sách tốt đẹp của Nhà nước dành cho người thu nhập thấp, nhưng chính sách này có những biểu hiện bị bóp méo để trục lợi, mà nguyên nhân chính là buông lỏng quản lý nhà nước.

Chính sách nhà ở xã hội đang bị trục lợi?

Ông Cương dẫn chứng cụ thể về một số căn hộ liền kề tại tòa nhà Bắc Hà Lucky Building trên địa bàn Cầu Giấy, Hà Nội đã bị đập thông nhau thành những phòng lớn có diện tích hơn 100m2.

''Bộ trưởng có nắm được những thông tin như vậy không? Quan điểm của Bộ như thế nào khi chính sách nhà ở xã hội đang bị trục lợi? Trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội và việc xử lý trách nhiệm được thực hiện như thế nào trong vụ việc này?'' - đại biểu Cương chất vấn.

Ký văn bản trả lời đại biểu Cương, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, Bộ đã nắm được thông tin đại biểu nêu và đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra, làm rõ, xử lý sai phạm (nếu có). Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội thì có một số căn hộ ghép căn tại tòa nhà Bắc Hà Lucky Building.

''Theo đơn trình bày và hồ sơ của các chủ sở hữu căn hộ cung cấp thì các căn hộ ghép căn này đều có quan hệ trong gia đình (bố con, anh chị em) và các hộ cho rằng ghép căn là để tiện cho sinh hoạt gia đình'' - văn bản nêu rõ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng khẳng định: ''Việc đục thông tường giữa các căn hộ mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng.

Theo quy định của pháp luật, hành vi tự ý đục phá, cải tạo, tháo dỡ kết cấu của phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng của nhà chung cư sẽ bị phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với tổ chức, 25-30 triệu đồng đối với cá nhân''.

''Trường hợp kê khai không đúng đối tượng và điều kiện để được mua nhà ở xã hội thì hợp đồng mua bán nhà không có giá trị pháp lý và bên mua nhà ở xã hội phải bàn giao nhà lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội, trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì UBND TP Hà Nội có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế để thu hồi''.

''Quan điểm của Bộ Xây dựng là những hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật" - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.

Những lùm xùm xung quanh chính sách nhà ở xã hội đã khiến dư luận bức xúc từ rất lâu. Gần đây nhất là vụ việc, ông Lục Minh Kim - Hộ khẩu thường trú tại số 12S, BT2-X2, Bắc Linh Đàm, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai (Hà Nội) lọt vào danh sách các đối tượng được xét duyệt mua nhà ở xã hội đợt 2 tại dự án Nhà ở xã hội Rice City (Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP BIC Việt Nam (BIC VN) làm chủ đầu tư.

Để mua nhà ở xã hội, các cá nhân có nguyện vọng phải nộp hồ sơ, sau đó được các chủ đầu tư xét duyệt, chấm điểm. Dựa trên cơ sở đó những người được điểm cao sẽ có cơ hội bốc thăm, ký hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư. Ông Kim là một trong 5 người (trong tổng số hơn 500 người) có số điểm số cao nhất (từ 96-100 điểm) được xét duyệt vào danh sách này.

Điều đáng nói, ông Lục Minh Kim là cha ruột bà Lục Thị Mai Trang - Tổng giám đốc và ông Lục Minh Hoàn - Phó Tổng giám đốc của BIC VN. Hiện tại, ông Kim đang sinh sống trong biệt thự của con ông này tại khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội).

Ngoài ra, hiện tượng xuất hiện nhiều xe ô tô, thậm chí có cả xe sang ở các khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi, có hay không sự trục lợi chính sách nhà ở xã hội?

(Theo Báo Đất Việt)


Ý kiến bạn đọc