Đánh thuế căn nhà thứ 2: Sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ

07:07, 01/11/2016
|
(VnMedia) -  Theo GS Đặng Hùng Võ, việc đánh thuế ngôi nhà thứ 2 sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản.
 
 
Trao đổi với PV, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ sự ủng hộ việc đánh thuế tài sản những người sở hữu nhiều nhà ở.
 
- Ông đánh giá như thế nào về đề xuất đánh thuế ngôi nhà thứ 2 mà Bộ Tài chính đưa ra?
 
GS Đặng Hùng Võ: Hiện nay chính sách thuế đất đai ở Việt Nam vẫn còn mang nặng nhiều tư duy bao cấp, chưa điều chỉnh được theo tính thị trường. Giá bất động sản rất cao trong khi thuế thấp khiến luồng vốn xã hội thay vì được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh thì lại đầu tư vào tích trữ trong bất động sản. Tình trạng đầu cơ khiến bất động sản trở thành lĩnh vực thu lợi cao nhất trong các loại hình đầu tư, lấy mất nhiều cơ hội cho nền kinh tế phát triển.
 
Ở góc độ người dân có thể thấy quy định này là không phù hợp và tăng thêm gánh nặng bởi nguồn tiền họ mua, đầu tư thêm căn nhà thứ 2, 3 đa phần là nguồn tiền đã chịu thuế.
 
Một người góp vốn vào thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã nộp thuế. Cổ tức thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Cũng số tiền thu nhập đó, người dân gửi tiết kiệm hoặc giữ ở nhà thì không bị đánh thuế, nhưng nếu muốn đầu tư một căn nhà cho thuê thì đã phải chịu lệ phí trước bạ, thuế thu nhập chuyển nhượng, thuế nhà đất. Như vậy, người dân phải chịu 2 đầu thuế, gây ra sự thuế chồng thuế, căn cứ tính thuế không đồng nhất, dễ dẫn đến sự không bình đẳng về mức thuế phải nộp giữa các đối tượng có cùng loại tài sản.
 
- Theo ông, việc đánh thuế này có hạn chế được tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản không?
 
Ở các nước, nguồn thu từ thuế tài sản rất lớn, với thuế nhà từ mức 1 - 1,5% được áp theo giá thị trường, là nguồn chủ yếu để phát triển hạ tầng và nâng cấp đô thị. Còn VN sử dụng khá nhiều vốn ODA và vốn ngân sách trong quá trình đô thị hóa, phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng.
 
Trong khi đó, dòng người đổ về các TP lớn ngày càng đông đúc, khiến chúng ta không chỉ lúng túng phát triển hạ tầng mà còn khó khăn trong phân bố lại dân cư. Đồng thời, do thuế đất quá thấp, lại hụt nguồn thu, hàng loạt loại phí được “đẻ” ra, chẳng hạn phí duy trì đường bộ.
 
Có thể thấy, thuế cao thì giá nhà đất sẽ thấp, còn nếu thuế thấp thì tình trạng đầu cơ khiến giá nhà đất tăng cao. Cần phải đánh thuế cả nhà lẫn đất. Ở Mỹ, mua nhà giá rất rẻ, chỉ 1 - 2 triệu USD là có biệt thự, nhưng ở VN, giá đó chỉ có ở những biệt thự ngoại thành Hà Nội, ở trung tâm Hà Nội thì giá lên đến 3 - 4 triệu USD.
 
Cần đổi mới, điều chỉnh chung về chính sách thuế, bằng cách nâng mức thuế nhà đất tại đô thị lên cao hơn gấp 10 lần theo lộ trình, từ 0,03% hiện nay lên 0,3%. Việc đánh thuế đất lũy tiến phải tính mức mà người mua phải suy xét mức sinh lợi, được gì từ bất động sản này, từ đó giá bất động sản sẽ thấp, giảm tình trạng đầu cơ.
 
- Nhiều ý kiến cho rằng, hiện mức chênh lệch giá đất ở thành thị và nông thông rất lớn. Do vậy, liệu những khu vực nông thôn có nên áp cách tính thuế nhà đất không?
 
Theo tôi, khu vực đô thị nhiều tiện lợi thì phải thu ở mức cao hơn, tương xứng với giá trị nhà đất cũng như hưởng được nhiều thuận lợi trên hạ tầng cơ sở. Chẳng hạn, TP.HCM và Hà Nội đã tốn kém rất nhiều cho phát triển hạ tầng đô thị, bước ra đường là đến ngay được bệnh viện, trường học, phim “bom tấn” ra mắt là có thể đi xem ngay trong ngày khởi chiếu, lên tầng cao là xem được pháo hoa… thì họ phải chịu thuế cao hơn. Hơn nữa, đánh thuế nhà còn là công cụ để điều chỉnh phân bố dân cư trong quá trình đô thị hóa chứ không chỉ nhìn vào việc đóng góp vào ngân sách nhà nước bao nhiêu tiền.
 
- Theo ông, việc đánh thuế này có hạn chế được tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản không?
 
Để chống đầu cơ, các nước cũng tiến hành đánh thuế lũy tiến vào các trường hợp có 2 nhà hay 3 nhà trở lên. Nếu như đánh thuế lũy tiến vào trường hợp nhiều nhà thì nhất định chống được đầu cơ. Người nhiều nhà không tích trữ nhà nữa còn dân đầu cơ thấy thuế phải nộp rất cao rồi thì sẽ hạn chế đầu cơ.
 
Ở Mỹ, mua một mảnh đất không phải bỏ nhiều tiền. Chỉ khoảng 100 - 200 nghìn USD, người dân có thể sở hữu một căn nhà, nhưng có đủ tiền đóng thuế không mới là quan trọng. Nhiều trường hợp mua xong nhà nhưng không có tiền trả thuế.
 
Tôi cho rằng đó là chính sách rất hay của Mỹ trên nguyên tắc giá thấp thì thuế cao. Thuế thấp thì giá cao. Việt Nam lại lựa chọn mức thuế thấp giá cao. Như thế rất mất cân đối với thu nhập và tạo ra những hệ quả xấu, tiêu cực trong phát triển kinh tế xã hội.
 
- Xin cám ơn ông!

Ý kiến bạn đọc