Như Infonet đưa tin, UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội chính thức thông tin về vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông. Đây là quán karaoke hoạt động không có giấy phép, gặp hỏa hoạn do sơ suất khi hàn xì biển quảng cáo.
Liên quan đến vụ cháy quán karaoke khiến 13 người tử vong, sau khi đưa các nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ cháy tối 1/11, ông Dương Cao Thanh – Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội có cuộc trao đổi với báo chí và xác định nguyên nhân ban đầu của vụ việc.
Bước đầu cơ quan chức năng nhận định vụ cháy xảy ra do bất cẩn khi hàn bảng quảng cáo tại tầng 2 quán karaoke.
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hiện trường và đến khoảng 23h ngày 1/11, lực lượng chức năng đã phát hiện và đưa 13 người tử vong ra khỏi hiện trường. Toàn bộ tài sản tại nhà 68 Trần Thái Tông bị thiêu rụi.
Ngọn lửa kinh hoàng tại quan Karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) |
Tuy nhiên, theo Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Tp Hà Nội): “Có thể thấy vụ việc hỏa hoạn nêu trên là đặc biệt nghiêm trọng, số người chết, bị thương, thiệt hại tài sản là vô cùng lớn.
Vì vậy, câu chuyện trách nhiệm pháp lý chắc chắn phải được đặt ra để đảm bảo công bằng trước pháp luật và phòng tránh những trường hợp tương tự nảy sinh. Trong vụ việc này có thể xem xét trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự (trách nhiệm bồi thường thiệt hại)” - Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, để xác định trách nhiệm pháp lý thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc để kiểm tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân của vụ cháy, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy… Nếu nguyên nhân là do thợ hàn, thi công biển quảng cáo dẫn đến vụ cháy này thì những thợ hàn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị hại.
Ngoài ra, nếu chủ quán không đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy thì cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là: “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình; Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.” (Điều 605 BLDS).
Khi xét trách nhiệm bồi thường cũng cần xét đến yêu tố năng lực trách nhiệm bồi thường thiệt hại được Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005.
Lưu ý, Điều 622 BLDS quy định: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, trong vụ việc trên, thiệt hại được phân thành các loại là thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng và thiệt hại về sức khỏe của các nạn nhân.
Với tài sản bị gây thiệt hại thì mức bồi thường được quy định tại Điều 608 BLDS, cụ thể như sau: “Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm: 1. Tài sản bị mất; 2. Tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; 3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; 4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại".
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Tp Hà Nội) |
Với sức khỏe bị xâm hại thì mức độ thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường được Điều 609 BLDS quy định như sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
- Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Theo luật sư Cường, với 13 trường hợp bị thiệt hại tính mạng thì mức bồi thường thiệt hại với mỗi nạn nhân được quy định tại Điều 610 BLDS, cụ thể như sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết (nếu có);
- Chi phí hợp lý cho việc mai tang theo phong tục địa phương;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
“Trên đây là những cơ sở để xét đến trong trách nhiệm bồi thường sau khi có kết luận của cơ quan điều tra”- Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc