(VnMedia) - Sau khi vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng xảy ra tại huyện Thường Tín, Hà Nội làm 7 người thương vong, câu hỏi đặt ra là việc xác định trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan như thế nào?
Chiếc xe ô tô con bị hư hỏng hoàn toàn |
Nạn nhân thứ 6 đã tử vong
Thông tin từ cơ quan chức năng cho hay, nạn nhân Đặng Duy Tùng (trú tại Thanh Trì, Hà Nội) được đưa vào BV Nông nghiệp cấp cứu, sau đó chuyển lên BV Việt Đức cũng đã tử vong vào lúc 11h45 phút sáng nay.
Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 6 người tử vong trong vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Hiện, tài xế xe ô tô CRV là Nguyễn Xuân Quý (SN 1984, ở Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) vẫn đang cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức.
Trước đó, khoảng 5h30, tàu SE2 lưu thông hướng Sài Gòn đi Hà Nội xảy ra va chạm với ôtô 5 chỗ biển số 30A (Hà Nội) tại đoạn giao cắt ở thôn Văn Giáp. Hiện trường cách ga Thường Tín khoảng 2 km, theo hướng đi ga Hà Nội.
Tại hiện trường vụ tai nạn nói trên, khu vực đường ngang dân sinh qua đường tàu có cột đèn báo, có chuông báo tự động và có barie. Tuy nhiên, theo người dân gần hiện trường, tại thời điểm xảy ra tai nạn không có người gác chắn ở đó, nên barie không được hạ xuống để cảnh báo cho người tham gia giao thông.
Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Vị trí xảy ra vụ tai nạn đường sắt sáng nay (24/10), ngành Đường sắt có lắp đặt cột đèn báo, chuông tự động. Còn barie là do 1 doanh nghiệp gần đó tự lắp đặt và thuê người gác chắn tại đó, không thuộc quản lý của ngành Đường sắt”.
Qua tìm hiểu, chiếc barie tại vị trí tai nạn nói trên do một doanh nghiệp gần đó tự lắp đặt đã được khoảng 4 năm và thuê 1 người đàn ông 71 tuổi làm nhiệm vụ hạ barie xuống khi có tín hiệu tàu sắp tới. Thời gian làm việc của người đàn ông này, sáng từ 7h-11h, chiều từ 13h-19h.
Xác định trách nhiệm
Liên quan đến vụ tai nạn, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: trong vụ tai nạn giao thông nói trên, người điều khiển phương tiện xe ô tô đã có lỗi vi phạm:
+ Vi phạm Điều 4 Luật giao thông đường bộ: Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ
“Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
+ Vi phạm Điều 25 Luật giao thông đường bộ: Đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt
1. Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.
2. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
3. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
4. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.
5. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt hoặc trong phạm vi an toàn đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.
6. Những người có mặt tại nơi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển phương tiện đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.
Với hậu quả 6 người chết, 1 người bị thương thì theo quan điểm của luật sư Thơm, hành vi của người lái xe đã có dấu hiệu phạm Tội vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm a Khoản 3 Điều 202 BLHS.
Về trách nhiệm của Tổng công ty đường sắt Việt Nam trong vụ việc này thế nào? Luật sư Thơm cho rằng: Vị trí xảy ra tai nạn là nơi đường bộ giao nhau với đường sắt, nên khi điều khiển xe ô tô qua nơi giao nhau này lái xe phải tuyệt đối quan sát, để xảy ra tai nạn thì người đầu tiên bị xem xét trách nhiệm là lái xe.
Tuy nhiên, theo ông Thơm cũng cần xem xét nơi giao nhau này ngành đường sắt đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cảnh báo, rào chắn theo quy định của luật giao thông hay chưa, nếu chưa áp dụng triệt để thì ngành đường sắt cũng có trách nhiệm trong vụ tai nạn giao thông này và họ phải bồi thường trách nhiệm dân theo quy định tại Điều 608 của Bộ luật dân sự.
"Đối với doanh nghiệp tự thuê người gác thì xét hành vi của Doanh nghiệp đã tự lắp đặt barie và thuê 1 người đàn ông 71 tuổi làm nhiệm vụ cảnh báo an toàn với thời gian sáng từ 7h-11h, chiều từ 13h-19h là việc làm tốt để nhằm mục đích ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông. Việc lắp đặt barie này không cản trở giao thông và không ảnh hưởng đến an toàn hành lang đường sắt nên người đàn ông 71 tuổi và Doanh nghiệp này không có lỗi là nguyên nhân gây tai nạn nên không có căn cứ xử lý là đúng pháp luật", luật sư Thơm cho biết.
Khánh Công
Ý kiến bạn đọc