Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lập đội xe công?

06:50, 27/10/2016
|

(VnMedia) - Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, Thành phố đã bàn đến phương án hình thành 1 đội xe chung để vừa tiết kiệm được đầu xe mà vẫn đảm bảo được nhu cầu sử dụng xe của các đơn vị...

khoán xe công
TP Hồ Chí Minh nghiên cứu thành lập đội xe công - ảnh minh hoạ

Chiều 26/10, bên hành lang Quốc hội, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đã trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện sử dụng xe công của Thành phố.

Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ, thực tế, các cơ quan tại Thành phố có tình trạng thiếu xe công, nhưng đó chỉ là thiếu “cục bộ”.

Theo đó, có những cơ quan trong một ngày, các lãnh đạo đều cần đi công tác thì sẽ thiếu xe. Nhưng trong cùng ngày đó, có thể những cơ quan khác xe để không, không có nhu cầu sử dụng làm việc gì. Do đó, cơ chế của Thành phố chủ yếu là thực hiện mượn xe giữa các cơ quan.

“Thành phố hiện vẫn thực hiện mượn xe giữa các đơn vị. HĐND, UBND, Thành uỷ hay đoàn Đại biểu Quốc hội phải điều xe lẫn nhau. Ví dụ HĐND trong một ngày có nhiều việc phải đi cơ sở thì mượn xe của UBND, Thành uỷ. Ngược lại, lúc xe của HĐND để không thì các đơn vị khác mượn xe lại bởi vì mỗi cơ quan không đủ xe để bố trí hết” - bà Quyết Tâm cho biết.

Theo bà Tâm, tuy cơ chế mượn xe là chủ yếu song có những trường hợp các đơn vị không còn xe để điều nữa thì lãnh đạo đi công tác phải gọi taxi. Ví dụ, bà Tâm dẫn chứng HĐND có 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và các trưởng ban, nhưng toàn cơ quan chỉ có 2 xe chung để điều phối. 

Từ thực tế nói trên, Thành phố đã bàn đến phương án hình thành một đội xe chung. Khi đó, cơ quan nào đi thì báo về trung tâm điều hành và trung tâm sẽ điều xe. Như vậy tiết kiệm được đầu xe mà vẫn đảm bảo được nhu cầu sử dụng xe của các đơn vị.

“Cứ chạy qua chạy lại mượn thì có thể mất công. Thiếu thực ra là thiếu cục bộ chứ tổng là sẽ thừa” - Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Chia sẻ về ý tưởng thuê xe công, bà Quyết Tâm cho rằng, thực ra, Thành phố đã thực hiện rồi bởi đi taxi cũng là thuê và các lãnh đạo vẫn đi taxi. Tuy nhiên, theo bà Tâm, vấn đề cần quan tâm là làm sao để không lãng phí và không xảy ra thiếu cục bộ, khi cần xe thì không có, không cần thì để xe không.

Bà Tâm cho biết, Thành phố cũng đã bàn bạc, tính toán để không phải cơ quan nào cũng đề nghị mua thêm xe mà có thể điều phối chung.

“Lưu lượng công việc của Thành phố rất lớn. Thành phố Hồ Chí Minh có 10 triệu dân, công việc nhiều hơn, đòi hỏi cơ động hơn những thành phố chỉ 2-3 triệu dân. Không thể bị động được. Đi mượn lúc vui họ đưa cho mình, lúc không vui họ không đưa, không lẽ mình không đi. Cần quỹ xe nhất định để đảm bảo công việc của mình không bị trì trệ nhưng phải đảm bảo tiết kiệm nhất.” – Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Trước đó, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND thành phố Hà Nội khi phát biểu về vấn đề xe công cũng cho biết, các cán bộ ở Hà Nội mong muốn được thực hiện cơ chế khoán xe công. “Định mức đó sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc mua và “nuôi” một chiếc xe. Đây là giải pháp có thể đưa ngay vào giải pháp 6 tháng cuối năm trong vấn đề thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách.” – ông Nam nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố đang cho rà soát tiêu hao chi phí cho xe công để từ đó đưa ra mức khoán phù hợp với từng đơn vị cũng như từng đối tượng.

“Nếu đưa ra mức khoán cụ thể chung cho toàn Thành phố sẽ bất cập giữa các địa bàn, các sở ngành khác nhau và đặc biệt giữa các quận với các huyện. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để từ giờ tới cuối năm nếu phù hợp và tất cả các điều kiện chín muồi sẽ thực hiện thí điểm và sau đó nhân rộng.” - ông Toản thông tin.

Tuy nhiên, việc khoán xe công không phải không có những ý kiến khác. Ngay chính Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại cho rằng, phương án khoán xe công của Bộ Tài chính là không hiệu quả. Theo ông Phúc, từ nhiều năm qua, Văn phòng Quốc hội đã thực hiện khoán xe công, tuy nhiên, theo cách khoán của Bộ Tài chính thì không bớt được số đầu xe và lái xe mà chỉ đơn giản là khoán từ nhà đến cơ quan.

“Cái chính là chúng ta phải giải bài toán chuyển mạnh về việc khoán xe công sang hình thức xã hội hóa, sang các cơ quan sự nghiệp thì mới hiệu quả" -  ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc