(VnMedia) - Thông tin tại Nghị trường Quốc hội sáng nay (21/10), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến ủng hộ việc bỏ Điều 292 trong dự thảo Bộ luật Hình sự...
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội khoá 13, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này, các cơ quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trong Bộ luật.
Sau đó, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015 cùng với 3 luật khác có liên quan.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự lần này trình Quốc hội liên quan đến 141 điều, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm; trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều (Điều 292 quy định về tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông).
Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến của Quốc hội bao gồm: phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015; việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào BLHS năm 2015; bổ sung quy định liên quan đến vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự (các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS năm 2015).
Đối với Điều 292, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều này.
Theo Bộ trưởng, tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông là một trong 10 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định tại mục 2 thuộc chương XXI của BLHS năm 2015 có khách thể xâm hại là an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tuy nhiên, nội dung quy định về cấu thành tội phạm này không phản ánh rõ mối nguy hại cho an toàn công cộng, trật tự công cộng mà thực chất đây là cấu thành tội "kinh doanh trái phép" trên môi trường mạng và xét về bản chất thì đây là một tội phạm về kinh tế nhưng lại được đặt ở chương "các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Hơn nữa, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng Điều 292 chỉ đề cập đến một số ngành nghề.
Ngoài ra, cũng các lĩnh vực kinh doanh được nêu tại Điều 292 nhưng nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự. Như vậy là có sự bất bình đẳng và thiếu nhất quán.
"Xét trong bối cảnh tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ thì cũng cần bãi bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả xử phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực này. Trên tinh thần đó, dự thảo Luật đề xuất phương án bãi bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông", Bộ trưởng cho biết.
Ông Long cũng thông tin thêm, trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng có ý kiến cho rằng, việc BLHS năm 2015 quy định tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông là cần thiết nhằm góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh trên môi trường mạng. Góp phần tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần xem xét thu hẹp phạm vi của tội phạm này cho phù hợp hơn, ít nhất là phải bao quát được hành vi kinh doanh sàn vàng trái phép hoặc kinh doanh đa cấp trái phép trên mạng, thu lợi bất chính lớn.
Cũng liên quan đến Điều 292 của Bộ luật Hình sự, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp do Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga trình bày cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban tán thành với dự thảo Luật về việc bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015 với lý do đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Đồng thời, vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc đưa vào các chương tương ứng về việc xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản, kinh doanh đa cấp bất chính… trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
"Tuy nhiên, việc xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản, kinh doanh đa cấp bất chính cần cân nhắc để quy định các cấu thành định tội, định khung bảo đảm chặt chẽ" – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nói.
Theo bà Nga, đây là những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành và quá trình thẩm tra có ý kiến đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, do đó, đề nghị có quan điểm chính thức của Chính phủ.
Trước đó, tại buổi họp báo công tác tư pháp quý II chiều ngày 7/7, Người phát ngôn – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng thừa nhận, trong việc lùi thời hạn thi hành Bộ luật Hình sự 2015, với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ Tư pháp có phần trách nhiệm. Tuy nhiên, riêng với Điều 292 thì Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, nguyên nhân Bộ luật Hình sự bị lùi thời gian có hiệu lực thi hành không phải vì điều 292.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc