(VnMedia) - Như VnMedia đã đưa tin, dù trước đó được dự báo là có khả năng đổ bộ đất liền với cường độ có thể lên đến cấp 11, nhưng bão số 7 đã bất ngờ giảm cường độ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Vậy, diễn biến của bão số 7 có phải là một sự bất thường hay do công tác dự báo có vấn đề? Hãy cùng VnMedia nhìn lại cả quá trình di chuyển của cơn bão để làm sáng tỏ những khúc mắc này.
Hình ảnh dự báo sớm của bão số 7 |
Sáng 16/10, bão Sarika đã vượt qua đảo Lu dông của Philippines, đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 7 năm 2016 với cường độ cấp 13, giật cấp 16. Sau khi vào Biển Đông bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây, cường độ ổn định ở cấp 13.
Khi đến phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, bão bắt đầu di chuyển theo hướng Tây Bắc, mạnh lên cấp 14 trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung quốc). Vào 10 giờ trưa ngày 18/10 bão đổ bộ vào đảo Hải Nam và quần thảo trên đảo này trong suốt 12 giờ, sức gió mạnh nhất trong bão giảm nhanh 3 cấp so với trước khi bão đổ bộ và duy trì ở khoảng cấp 11.
22 giờ tối 18/10 bão đi vào vịnh Bắc Bộ và tiếp tục suy yếu nhanh, đến 8 giờ sáng 19/10 cường độ bão giảm xuống còn cấp 8 và đến 11 giờ 19/10 bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (cấp 7) trên vùng biển Quảng Ninh trước khi đổ bộ vào đất liền.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 7 là một cơn bão có hoàn lưu rộng, bán kính gió mạnh cấp 6 trở lên khoảng 250-300km. Ngay từ đêm 17/10, do ảnh hưởng hoàn lưu bão nên ở vịnh Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Khi bão đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), mặc dù còn cách bão đến 300km nhưng tại đảo Bạch Long Vĩ đã quan trắc được gió mạnh nhất lên đến cấp 9, giật cấp 11; Cô Tô cấp 6, giật cấp 9; các nơi khác ở ven biển Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Tính đến trưa ngày 19/10, do ảnh hưởng của bão số 7, ở khu vực Đông Bắc đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-80mm.
Từ khi bão vào Biển Đông, dự báo của các Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và các Trung tâm cảnh báo bão quốc tế cùng cho rằng bão số 7 sẽ vượt qua đảo Hải Nam và hướng vào vịnh Bắc Bộ, sau đó là hướng về các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng (Hình 1).
Ngày 16 - 17/10 và sáng ngày 18/10, trước khi bão đổ bộ vào Hải Nam, các Trung tâm quốc tế dự báo bão số 7 sẽ vào Vịnh Bắc Bộ ở khoảng cấp 11-12, cụ thể Nhật Bản dự báo cấp 11, Hoa Kỳ cấp 11, Hồng Kông cấp 12, Trung Quốc cấp 12. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo cấp 12. Nhận định bão khi đổ bộ vào đất liền Việt Nam (Nam Đồng bằng Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ) tại thời điểm đó của các Trung tâm cũng đều thống nhất ở cấp 10-11.
Dự báo của các Trung tâm dự báo bão quốc tế lúc 07 giờ ngày 17/10 |
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, tính đến thời điểm trước khi bão vào Vịnh Bắc Bộ, kết quả xác định cường độ của các Trung tâm và Việt Nam khá trùng khớp. Tuy nhiên kể từ sáng 19/10, đã có sự phân hóa khá rõ rệt về việc xác định cũng như dự báo cường độ cơn bão này.
Cụ thể, tại thời điểm 8h ngày19/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương xác định sức gió mạnh nhất của bão số 7 ở cấp 8 trong khi các Trung tâm quốc tế như Hoa Kỳ, Hồng Kông, Nhật Bản xác định bão cấp 9, riêng Trung Quốc vẫn xác định cấp 10.
Tại thời điểm 10h ngày 19/10, khi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương xác định bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Quảng Ninh trước khi đổ bộ vào bờ thì Nhật Bản, Hồng Kông tiếp tục duy trì cấp 8. Riêng Trung Quốc vẫn xác định bão cấp 10 và còn dự báo bão duy trì cấp 9-10 đến đêm 19/10, khi vào đất liền (Hình 2).
Ngay vào thời điểm 14h ngày 19/10, khi áp thấp nhiệt đới đã vào bờ, gió mạnh chỉ còn cấp 6, Trung Quốc vẫn xác định bão cấp 10, Hồng Kông dự báo cấp 9, Nhật Bản thì đưa là cấp 8.
Dự báo bão Sarika của cơ quan khí tượng Trung quốc lúc 10 giờ ngày 19/10 |
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, tốc độ di chuyển của bão khá ổn định, trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam bão di chuyển với tốc độ khoảng 20km/h, sau khi đi vào Vịnh Bắc Bộ, bão di chuyển tốc độ 15km/h. Các dự báo của Việt Nam và quốc tế là khá sát với thực tế (15-20km/h).
Đặc biệt, khi vào Vịnh Bắc Bộ, bằng việc kết hợp phân tích ảnh mây phân giải cao 10 phút/ảnh, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương phân tích ảnh ra-đa thời tiết (5 phút/ảnh) và các trạm đo gió, mưa, khí áp tự động (10 phút/lần) ở ven bờ nên đã ước lượng và đánh giá được quá trình suy yếu của bão số 7 sớm hơn các Trung tâm quốc tế khác. Đến nay, chỉ Việt Nam xác định là áp thấp nhiệt đới, các Trung tâm quốc tế vẫn xác định bão.
Vì sao bão số 7 đột ngột suy yếu?
Hình ảnh cuối cùng về đường đi của bão số 7 và cơn siêu bão Hama |
Về nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu nhanh của bão số 7 khi vào Vịnh Bắc Bộ, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho rằng, theo quy luật hàng năm, vào giữa tháng 10, bão thường đổ bộ vào miền Trung nhưng cơn bão số 7 năm nay hoạt động rất trái quy luật khi di chuyển lên phía Bắc, đi vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh.
Không chỉ có sự phức tạp về hướng di chuyển của bão trái mùa, cường độ bão cũng diễn biến bất thường khó dự đoán khi suy yếu rất nhanh do nhiều nguyên nhân như ma sát với địa hình đảo Hải Nam, đi lên phía bắc nên chịu tác động của không khí lạnh và đặc biệt là có sự xuất hiện của siêu bão Haima (sức gió cấp 17, tức 210km/h) ở phía Đông Philippine.
“Siêu bão Haima có tốc độ di chuyển đặc biệt nhanh (30-40km/h) và áp sát vào Biển Đông đã gây ra tương tác và ảnh hưởng rất nhiều đến cường độ và hướng di chuyển của bão số 7 theo hướng lệch Bắc và yếu nhanh.” - Chuyên gia của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương phân tích.
Đến nay, có thể khẳng định bão số 7 đã tan. Điều may mắn nhất là bão đã không "tấn công" miền Trung như dự báo ban đầu và tiếp đó là nó cũng đã không hoàn hành ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, lũ lụt và sụt lở đất bao giờ cũng lớn hơn thiệt hại do bão gây ra.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc