(VnMedia) - Bộ Tư pháp đã thẩm định và phát hiện 30 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, trong đó có 7 văn bản đã được các Bộ, ngành và địa phương xử lý...
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tư pháp sáng 17/10, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh văn phòng, người vừa được phân công nhiệm vụ phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp dã thẩm định 65 văn bản quy phạm pháp luật và 28 điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế, trả lời và góp ý 277 văn bản.
Đặc biệt, Bộ đã kiểm tra 715 văn bản, kết quả bước đầu phát hiện 30 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Trên cơ sở kết luận kiểm tra với 30 văn bản đó, đến nay có 7 văn bản đã được các Bộ, ngành và địa phương xử lý; 7 văn bản đã có hướng xử lý, 16 văn bản đang tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của VnMedia về việc công khai những văn bản vi phạm pháp luật đã được phát hiện, Bà Vũ Thị Hoè, Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay Bộ Tư pháp đang xem xét theo quy định của pháp luật và trong thời gian tới việc công khai sẽ theo quy trình trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Về vấn đề này, các phóng viên tham dự cuộc họp cũng có ý kiến về việc thời gian vừa qua, nhiều văn bản vi phạm pháp luật đã bị "tuýt còi" nhưng không được công khai kịp thời, không đảm bảo công khai minh bạch. Làm rõ thêm với báo chí, người phát ngôn Bộ Tư pháp khẳng định, việc công khai vẫn được thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp cũng cho biết, Bộ Tư pháp đang tiến hành các thủ tục để ra thông báo không thụ lý, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thông báo từ chối tiếp công dân đối với 10 vụ việc liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự đã giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm: vụ ông Nguyễn Xuân Dục và bà Nguyễn Thị Đoài (Phú Thọ); vụ ông Nguyễn Văn Đức, bà Phan Thị Nhung (Phú Thọ); vụ ông Vũ Văn Hiến, bà Lê Thị Hường (Nghệ An); vụ ông Lương Ngọc Kính (Quảng Ninh); vụ ông Hoàng Sĩ Công và bà Lê Thị Cơi (Thanh Hoá); vụ ông Phùng Viết Chanh (Hà Nội); vụ ông Phạm Trọng Nghĩa (Tiền Giang); vụ bà Lưu Thị Phương (Hà Nội); vụ ông Lê Văn Điển (Hà Nội) và vụ bà Vi Thị Yên (Lâm Đồng).
Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển |
“Tái chiếm” lại tài sản thi hành án
Tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Tư pháp thừa nhận vẫn còn tình trạng cơ quan thi hành án dân sự không thi hành được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án mà nguyên nhân là do ý thức tự nguyện thi hành án còn hạn chế, tình trạng không chấp hành án có chiều hướng gia tăng.
Điển hình có thể kể đến vụ việc của ông Bùi Văn Dần và bà Nguyễn Thị Hoan (trú tại khu 1, Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hoá). Theo nội dung bản án, bà Hoan phải trả cho bà Dung số tiền trên 149 triệu và lãi suất chậm thi hành án. Do bà Hoan không tự nguyện thực hiện thi hành án nên cơ quan thi hành án đã phải kê biên và bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của vợ chồng bà, giao tài sản cho ông Trần Đức Toàn.
Tuy nhiên, tối cùng ngày, gia đình bà Hoan đã tái chiếm lại tài sản mà cơ quan thi hành án đã giao. Mặc dù các cơ quan Trung ương và địa phương đã giải quyết các khiếu nại, tố cáo của vợ chồng bà Hoan theo đúng quy định của pháp luật nhưng gia đình bà Hoan vẫn không chấp hành án. Đặc biệt, ngày 15/4, TAND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá cũng đã xét xử ông Bùi Văn Dần 4 tháng tù treo tội xâm phạm chỗ ở của công dân (tái chiếm đất của ông Toàn), nhưng đến nay, vợ chồng bà Hoan vẫn liên tục khiếu nại.
"Đây được coi là một vụ việc điển hình mà đương sự cố ý chây ỳ, không chấp hành án nhưng vẫn liên tục khiếu nại, tố cáo kéo dài kể cả khi Toà án đã truy cứu trách nhiệm hình sự" - Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển nói.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và đang hoàn thiện để trình Thủ tướng ký phê duyệt phương án đơn giản hoá trên 800 thủ tục hành chính liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực. Theo tính toán sơ bộ, tổng chi phí tiết kiệm được từ các phương án đơn giản hoá khoảng trên 400 tỷ đồng mỗi năm. |
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc