(VnMedia) - Mặc dù đưa ra nhiều căn cứ cho thấy quy hoạch giao thông ở Hà Nội rất "có vấn đề", song KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh, nguồn gốc của ùn tắc giao thông chính là văn hoá. Theo ông, ở nước nào cũng có ùn tắc, nhưng không ở đâu hỗn loạn như ở Việt Nam.
Hà Nội cứ tắc đường là hỗn loạn - ảnh: Kiến thức |
Ý kiến nói trên được KTS Tùng đưa ra tại buổi toạ đàm về giao thông Hà Nội do báo Tiền Phong tổ chức chiều 5/10,
Là người phát biểu đầu tiên tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Đức Nghĩa -Trưởng phòng Hạ tầng Giao thông, Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hà Nội - một đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, khẳng định, sau khi phát triển quy hoạch, Hà Nội đều có kế hoạch xây dựng các công trình trọng điểm, tập trung phát triển mạng lưới hướng tâm kết hợp xây dựng các nút giao thông, đáp ứng yêu cầu của giao thông đô thị.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, về giao thông công cộng, Thành phố Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, hiện đang triển khai xây dựng một số tuyến. Khi mạng lưới giao thông công cộng đưa vào hoạt động, đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng sẽ phục vụ 60% nhu cầu đi lại của người dân.
“Vì thế, việc nói Thành phố chỉ tập trung mỗi đô thị là chưa đúng, Thành phố luôn có kế hoạch đầu tư hạ tầng trước, nhưng do một số vấn đề như tài chính nên đô thị luôn phát triển sớm hơn" - ông Nghĩa nói cho rằng, trong quá trình triển khai, lãnh đạo thành phố đã cho phép phát triển cao tầng, giảm mật độ, tăng cây xanh, phục vụ hạ tầng kỹ thuật, đưa vào sân chơi, khu vui chơi...
“Bài toán quy mô dân số đã được kiểm soát trong quy hoạch chung. Với các kế hoạch trên, tôi tin chắc việc ùn tắc giao thông trong tương lai không còn là bài toán khó" - Trưởng phòng Hạ tầng giao thông sở Quy hoạch Kiến trúc tự tin khẳng định.
Tuy nhiên, phát biểu ngay sau ông Nghĩa, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói: “Không có đô thị nào nhiều quy hoạch như ở Hà Nội!”, đồng thời nêu lên một thực tế rằng, từ năm 1884, người Pháp bắt đầu quy hoạch Hà Nội theo kiểu châu Âu, tạo ra các tuyến đường ô bàn cờ. Lần đầu tiên người Việt chúng ta được nhìn thấy tàu điện bên cạnh phương tiện xe kéo tay quen thuộc.
“Nói như thế để thấy, tại sao khi Hà Nội chỉ có 6-7 vạn dân đã có 6 tuyến tàu điện công cộng, trong khi hiện nay Hà Nội đã 7,5 triệu dân vẫn chỉ có xe bus. Vậy rõ ràng vấn đề nằm ở chỗ quy hoạch” - ông Tùng khẳng định.
Thứ hai, theo KTS Phạm Thanh Tùng thì quy hoạch của Hà Nội quá chậm, ví dụ như tuyến đường sắt trên cao triển khai thực hiện đã 7 năm rồi chưa xong.
“Thứ ba, tôi khẳng định rằng ở các nước, kể cả Mỹ cũng tắc đường, cũng kẹt xe nhưng không hỗn loạn, còn ở nước ta thì hỗn loạn. Đã tắc đường là hỗn loạn, là quay đầu xe, là gây gổ… Đó chính là vấn đề văn hoá hay nói thẳng ra là văn hoá đô thị của chúng ta rất yếu” - ông Tùng nói.
KTS Tùng cũng đưa ra một tồn tại rất đáng quan tâm, đó là vấn đề quy hoạch giao thông ở Hà Nội còn thiếu sự thống nhất giữa chỉ đạo của trung ương và địa phương. “Ví dụ như khi Chính phủ ra chỉ thị, quyết định di dời, đưa các nhà máy, xí nghiệp ra ngoài nội đô thì các trung tâm thương mại, nhà cao tầng lại đua nhau mọc lên tại ví trí đó… “.
Một điểm nữa mà KTS Phạm Thanh Tùng đưa ra đối với quy hoạch giao thông ở Hà Nội, đó là chỉ 1/3 dân số nội thành ở mặt tiền, còn lại cư dân chủ yếu là ở trong những ngõ, ngách. Tuy nhiên, quy hoạch lại chỉ tính đến mặt phố.
“Thử hỏi người trong ngõ họ đi bằng gì, làm sao để họ tiếp cận được giao thông công cộng?” – ông Tùng đặt câu hỏi.
KTS Phạm Thanh Tùng cũng thẳng thắn đánh giá, Hà Nội thực hiện quy hoạch nhưng “chưa tới nơi”, ví dụ khi quy hoạch đường vàng đai như đường vành đai 2, vành đai 3 nhưng không hề có bãi để xe để chuyển tiếp giao thông cá nhân lên giao thông công cộng.
Cuối cùng, KTS Tùng nhấn mạnh, Hà Nội rất hay dùng từ cấm, trong khi quyền công dân có hiến pháp quy định nên cần hạn chế chứ không cấm.
“Phải có sự đồng bộ trong quy hoạch, chứ không thể ngẫu hứng. Khi xe bus nhanh phát triển, tàu điện ngầm có thì tự người ta sẽ biết cách lựa chọn phương tiện thích hợp” - ông Tùng nhấn mạnh và thêm rằng, tránh ùn tắc không thể bằng những chỉ thị, mà nguồn gốc của nó chính là văn hoá, đặc biệt là văn hoá giao thông.
“Nếu không giải quyết tận gốc thì còn ùn tắc, thậm chí là ùn tắc trong hỗn loạn" - KTS Tùng cảnh báo.
Ý kiến bạn đọc