Làm nhục người khác: Xử lý nhẹ, mơ hồ trong xác định hành vi

09:07, 14/10/2016
|

(VnMedia) - Có rất nhiều vụ làm nhục người khác gây bức xúc trong dư luận xã hội, tuy nhiên, hiện việc xử lý về hành vi này vẫn còn rất nhẹ tay và mơ hồ trong việc xác định hành vi...

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ làm nhục người khác, gần đây nhất là việc một học sinh đã tự tử vì bị đánh đập và làm nhục giữa đường ở Yên Bái. Cụ thể: Vào khoảng 12 giờ ngày 19/9/2016, tại trước cổng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Âu Lâu, xã Âu Lâu, Thành phố Yên Bái, cháu Bùi Đoàn Quang Huy (SN 2001, là học sinh lớp 8A) đã bị một người nhà của bạn Trần Văn Đức (SN 2001) đánh gây thương tích phải nằm viện điều trị 7 ngày tại Bệnh viện Hữu nghị 103. Sau đó, cháu Bùi Đoàn Quang Huy xuất viện về gia đình. Ngày 25/9/2016, cháu Bùi Đoàn Quang Huy đã tự tử tại nhà ở Thôn Cống Đá, Xã Âu Lâu, Thành phố Yên Bái.

Cháu Huy bị đánh và bắt quỳ giữ nơi đông người (Ảnh Infonet)
Cháu Huy bị đánh và bắt quỳ giữ nơi đông người (Ảnh Infonet)

Sự việc đau lòng trên gây bức xúc dư luận xã hội. Câu hỏi đặt ra, chế tài cho việc làm nhục người khác được pháp luật hiện hành áp dụng thế nào, đã đủ sức để răn đe và ngăn chặn chưa ạ? Với tốc độ phát triển mạng xã hội như hiện nay, cần có biện pháp nào khác?

Trả lời cho câu hỏi trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 20 Hiến pháp 2013 qui định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Điều 3 Bộ luật dân sự 2005 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”

Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 qui định Tội làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng với hình phạt cao nhất đến 03 năm tù. Như vậy chỉ có những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, khoản 1 Điều 121 Bộ luật hình sự Tội làm nhục người khác chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người Bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Như vậy, xét về mặt luật hình thức là qui trình tố tụng đưa ra xử lý trước pháp luật về hành vi này là còn gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, rất nhiều vụ việc người bị hại bị đánh đập, làm nhục giữa nơi công cộng nhưng do hai bên thỏa thuận, hòa giải, bồi thường trách nhiệm dân sự thì không thể xử lý về hình sự.

Xét về mặt luật nội dung là các căn cứ xác định các các yếu tố cấu thành tội phạm Tội làm nhục cũng còn nhiều những ý kiến, quan điểm đánh giá tính chất, mức độ như thế nào là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.

Theo luật sư Thơm, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự nạn nhân đó là hành vi cố ý hạ thấp nhân phẩm, danh dự hoặc làm mất uy tín, nhân cách của người đó đối với người thân trong gia đình, bạn bè, cơ quan, đoàn thể nơi họ sinh sống hoặc nơi công cộng khác. Hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự này phải được thực hiện bằng lời nói chửi rủa, xỉ nhục ở nơi đông người, in ảnh, viết chữ xúc phạm rồi phát tán ra cộng đồng hoặc qua mạng xac hội. Hoặc đối tượng có những hành vi bỉ ổi như ném phân và các chất bẩn khác vào người, nhổ nước bọt, lột chuồng, cắt tóc,.. Hành vi làm nhục người khác có thể được thực hiện nơi công khai trước mặt nạn nhân hoặc vắng mặt người đó nhưng vẫn có ý thức cho nạn nhân biết vì các động cơ mục đích cá nhân.

Sự xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác phải đến mức độ nghiêm trọng mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Đánh giá như thế nào là bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp. Nó phụ thuộc vào thái độ, nhận thức của người phạm tội, cường độ, thời gian của hành vi, vị trí và môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, nhận thức của người bị hại trong gia đình và xã hội; sự đánh giá và phản ứng của dư luận xã hội cũng cần phải được xem xét. Nhiều vụ việc cùng một hành vi bị xâm phạm nhưng có người thấy bị nhục nhưng có người lại thấy đó là bình thường.

Thực tiễn cho thấy khi xử lý hành vi làm nhục người khác nó còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người xử lý. Nếu không xử lý hình sự thì nhận định cho rằng hành vi đó chưa nghiêm trọng nên chưa cần thiết phải khởi tố và sẽ xử lý bằng biện pháp hành chính.

Luật sư Thơm cho biết, ngoài những khó khăn xử lý hành vi làm nhục người khác như đã nêu trên thì chúng ta vẫn có thể xử lý hành vi của các đối tượng vi phạm về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật và cũng đảm bảo sự răn đe, trừng trị tội phạm này đang có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Tội gây rối trật tự công cộng thì khởi tố không cần phải có yêu cầu của người bị hại.

Có thể thấy rằng, hành vi làm nhục người khác của các đối tượng phạm tội chủ yếu được thực hiện nơi công cộng và là nơi tập trung đông dân cư nên hành vi đó đã xâm phạm đến khách thể khác mà Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là trật tự nơi công cộng, nếp sống văn minh, qui tắc sống xã hội chủ nghĩa, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Căn cứ Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:
a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
d. Chết người;
đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;
e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...
Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.

Để có căn cứ xử lý đối tượng về hành vi gây rối trật tư công công gây hậu quả nghiêm trọng “phi vật chất” thì các cơ quan pháp luật chỉ cần làm rõ hành vi của các đối tượng đã gây mất trật tự trị an, gây bất bình trong quần chúng bằng các Báo cáo của chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể,..

Điều 121. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc