(VnMedia) - Dự báo ngày 19/10, bão số 7 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa. Dự báo cường độ bão số 7 là cấp 13, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h…
Dự bao đường đi của bão số 7 |
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 16 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.
Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 14.00N và phía Đông Kinh tuyến 110.50E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 15.00N và phía Đông Kinh tuyến 111.50E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 16 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 16-17. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Từ đêm 17/10, Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8-9; riêng vùng biển Đông Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 10-11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km.
2 ngày nữa bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam
Chiều 16/10, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã họp trực tuyến khẩn cấp để ứng phó với cơn bão số 7 vừa đi vào biển Đông. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Họp trực tuyến phòng chống bão chiều 16/10 |
Theo thông tin từ cuộc họp thì dự báo ngày 19/10, bão số 7 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa. Dự báo cường độ bão số 7 là cấp 13, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h.
Các cơ quan chức năng cho biết, đây là cơn bão trái mùa, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, rất nguy hiểm và phức tạp, khó dự đoán, dự báo.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An cho biết, chính sự chuẩn bị chu đáo, cộng với sự tham gia tích cực của nhân dân đã giúp hạn chế tối đa hậu quả của lũ lụt những ngày qua. Cho đến thời điểm này, các tỉnh miền Trung đều đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và sẽ kiểm soát thật tốt, không để ngư dân ra biển trong những ngày tới.
Các địa phương cũng sẽ tiếp tục duy trì chế độ trực 24/24 để kịp thời ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy ra, triển khai khắc phục hậu quả mưa bão một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với các địa phương là phần lớn các hồ, đập đều đã đầy nước, do đó nếu bão số 7 kéo theo mưa lớn, gần như chắc chắn sẽ gây ra lụt, thậm chí đe doạ sự an toàn của các công trình.
Một điều đáng lo ngại hơn nữa khi một cơn bão mới có tên Haima (Hải Mã) ở ngoài khơi phía Đông Phillipines, là cơn bão rất mạnh có khả năng đạt cấp siêu bão. Dự kiến bão số 7 đổ bộ xong thì bão Hải Mã sẽ đi vào biển Đông. Hiện cơn bão còn quá xa nên chưa thể nhận định gì được về sự ảnh hưởng của cơn bão này.
Liên quan đến việc ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng và yêu cầu chủ động phòng, chống lũ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Công điện số 1827/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng ký, yêu cầu UBND các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa lũ.
Thủ tướng yêu cầu kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; Huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt; tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là những người dân chưa kịp sơ tán tại các khu vực bị ngập sâu, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc