(VnMedia) - Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật theo hướng không cho phép các đơn vị dùng diện tích dư thừa không sử dụng hết của trụ sở cơ quan nhà nước để kinh doanh. Còn nếu cho phép thì phải cần làm rõ thủ tục, thẩm quyền, nghĩa vụ thuế...
Sáng 31/10, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Hầu hết các đại biểu đều đồng ý về sự cần thiết ban hành Luật mới để thay thế luật cũ. Tuy nhiên, nội dung của Dự án luật vẫn khiến nhiều đại biểu băn khoăn, cho ý kiến góp ý.
Nhận xét về Dự án luật, đại biểu đại biểu Vũ Thị Lưu Mai thẳng thắn cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án luật là “nửa vời”.
Đại biểu Mai phân tích: Hiện nay luật đất đai đã quy định rõ quyền, nghĩa vụ về quản lý tài sản đất đai của nhà nước. Tuy nhiên, Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công lại cũng muốn đưa vào quản lý đất đai và chỉ quy định một số điều có tính nguyên tắc nên dẫn đến bất cập.
“Như vậy đất đai chịu sự điều chỉnh của luật nào? Luật Đất đai hay luật này nữa” - bà Mai đặt câu hỏi và cho rằng, nếu chỉ dùng một số nguyên tắc cơ bản thì sẽ không giải quyết được thấu đáo vấn đề tài sản. Đại biểu Lưu Mai đề nghị, nếu vẫn áp dụng các luật chuyên ngành thì chỉ nên dừng ở mức độ quy định về tài sản của một số cơ quan tổ chức sử dụng, còn đất đai vẫn phải theo luật đất đai, ngân sách vẫn theo luật ngân sách, vốn đầu tư công phải theo luật đầu tư công.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại tổ sáng 31/10 - ảnh: Xuân Hưng |
Đặc biệt, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc xác định thế nào là tài sản công vẫn cần phải làm rõ.
“Nếu theo quy định của Bộ luật Dân sự thì đã xác định tài sản công là gì và những loại tài sản nào, nhưng Dự án luật này lại liệt kê dưới dạng chủ thể sử dụng và điều đó không đảm bảo với pháp luật dân sự” - Đại biểu Mai nói.
Về phân loại tài sản, Dự án luật phân chia theo đối tượng sử dụng, nhưng theo đại biểu Lưu Mai, nên chia thành 2 loại là tài sản kinh doanh thương mại và tài sản cố định.
Về khoán kinh phí, đại biểu Lưu Mai cho biết, đây hiện đang là vấn đề bức xúc mà cử tri và dư luận quan tâm như khoán kính phí xe, kinh phí nhà công vụ.
“Chúng ta kỳ vọng dự án này giải quyết những vấn đề cơ bản, nhưng trong điều 33 cũng chỉ quy định chung chung và giao Bộ Tài chính quy định. Tôi nghĩ, cần đưa những nguyên tắc cơ bản như nếu khoán thì là cơ chế bắt buộc hay tự nguyện..., nếu bắt buộc thì bắt buộc những cơ quan tổ chức nào, còn nếu giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thì sẽ mâu thuẫn với quy định hiện hành” - đại biểu Mai nêu quan điểm.
Về khoán xe công, theo đại biểu Lưu Mai, hiện nay Quốc hội đang khoán cho các đại biểu chuyên trách theo tháng, còn Bộ Tài chính lại đưa ra phương án khoán theo km và vì vậy cần lấy ý kiến và áp dụng thống nhất. Cá nhân đại biểu Lưu Mai cho rằng, cách khoán như của Bộ Tài Chính không giải quyết được thấu đáo vấn đề.
Không nên cho phép dùng trụ sở công để kinh doanh
Về việc sử dụng trụ sở làm việc, Dự án luật quy định trong trường hợp chuyển giao hoặc bán trụ sở làm việc, các cơ quan phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng nên cân nhắc về thẩm quyền.
Nhận xét Dự án luật đưa nguyên tắc là khi bán tài sản nhà nước thì phải tổ chức đấu giá là hợp lý, nhưng đại biểu Mai cho biết, Luật đồng thời lại chỉ đưa ra hai trường hợp phải đấu giá, còn có những trường hợp ngoại lệ, trong đó có các trường hợp khác không phải đấu giá là không hợp lý.
“Theo tôi, nếu đảm bảo cơ chế tài chính minh bạch thì nên áp dụng đấu giá là cơ chế bắt buộc, đã là luật thì bình đẳng, cần hạn chế tối đa ngoại lệ và các trường hợp khác” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai góp ý.
Một vấn đề liên quan trực tiếp đến việc sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước mà theo đại biểu Lưu Mai cần công khai minh bạch, đó là mục đích sử dụng tài sản công.
“Tôi ngạc nhiên khi thấy trong dự án luật có 4 điều quy định thẩm quyền của cơ quan công lập được phép sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh.
Theo đó, Dự án Luật quy định trong trường hợp sử dụng không hết công năng thì được phép cho thuê, góp vốn, đưa vào mục đích sử dụng khác. Nhưng mục đích đầu tiên của việc sử dụng tài sản công là phải sử dụng đúng mục đích. Còn nếu đơn vị sự nghiệp lại được phép kinh doanh thì cần làm rõ thủ tục, thẩm quyền, nghĩa vụ thuế...” – bà Mai nói.
Nhấn mạnh quy định nêu trên trong Dự án luật là không hợp lý, đại biểu Mai phân tích: “Các đơn vị công lập không phải là các doanh nghiệp để sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích kinh doanh. Trên thực tế, đã có nhiều bất cập như các cơ quan nhà nước vẫn kinh doanh nhà khách, khách sạn, cơ chế tài chính rất đặc thù, đặc biệt việc quản lý về thuế, nguồn thu dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.”
Bà Mai một lần nữa nhấn mạnh: “Phải khẳng định rõ, tài sản giao cho các đơn vị phải sử dụng đúng mục đích, nếu kinh doanh phải theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế...”
Cùng quan điểm với đại biểu Mai, đại biểu Dương Quang Thành, đại biểu Nguyễn Chiến cho rằng, cần thiết nghiên cứu sửa đổi luật để đáp ứng nhu cầu thực tế trước tình trạng lãng phí, sử dụng không đúng mục đích tài sản nhà nước...; khi nhà nước giao tài sản cho các đơn vị công nên giao đúng và đủ, yêu cầu sử dụng đúng mục đích, hạn chế việc cho thuê.
“Nhiều cơ quan, tài sản cho thuê nhiều hơn tài sản sử dụng cho mục đích công của cơ quan" - đại biểu Dương Quang Thành nhận xét.
Cùng đoàn Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhận xét, Dự án luật nặng về quy định những tài sản hữu hình, vật thể nhưng trong xu thế mới, tài sản vô hình như trí tuệ, bản quyền công nghệ... là vô cùng lớn mà trong Dự án luật lại không có điều nào chi phối.
Góp ý cho Dự án luật, Phó trưởng đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho biết, khoản 2 điều 30 của Dự án luật quy định về các mô hình trụ sở bao gồm 2 mô hình, đó là mô hình độc lập và mô hình hành chính tập trung, nhưng ông đề xuất nên có thêm mô hình liên cơ quan.
“Việc xây dựng khu hành chính tập trung mang lại nhiều lợi ích như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng... diện tích tiết kiệm, được bảo vệ, hạ tầng tốt và tiện lợi... Vì vậy, luật này nên tiếp cận theo hướng xây dựng trụ sở liên cơ quan hay hành chính tập trung, chỉ khi không thực hiện được thì mới cho độc lập” - đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.
Về định mức xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, hiện nay, có xu hướng thường đưa định mức rất thấp, dẫn đến xây 2-3 năm là lại phải có tiền sửa chữa.
“Người ta 20-30 năm mới sửa, chúng ta tốn kém tiền của, công sức và chất lượng kém, cần hiện đại trong tư duy về hình thành định mức” - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội nêu ý kiến.
Nêu lên một thực tế là nhiều Bộ dù xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn đồng thời sử dụng song song cả trụ sở cũ, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng luật cần quy định rõ vấn đề này.
Tại đoàn TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản không ai sử dụng gây lãng phí.
“TP. Hồ Chí Minh hiện nay có các trụ sở bỏ không không phải 12 tháng như luật mà bỏ mười mấy năm rồi. Thậm chí cả 2 chục năm nhưng không thu hồi không được. Cho thuê được đã là tốt, nhưng đằng này có trụ sở không làm gì cả. HĐND đi giám sát đề nghị thu hồi làm trường học, bệnh viện, làm các thiết chế văn hoá thì không được. Thậm chí có những việc do nhu cầu của TP cần phát triển một số cơ quan đảm bảo trật tự an ninh, TP đưa đất ra, TP ứng vốn ra để xây dựng nhưng đề nghị giao trụ sở cũ ra cũng không giao. Luật làm sao phải chế tài chỗ này đủ mạnh để giải quyết được trong thực tiễn”- bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Phân tích dự thảo luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong tài sản công thì vấn đề về trụ sở, đất đai rất nhiều, làm sao điều chuyển được để khỏi tốn thêm tiền đầu tư trong việc xây dựng trụ sở mới.
“Ở Quận 5, tôi chứng kiến một trường mẫu giáo có cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng nhưng nguồn lực Chính phủ để lại cho xây dựng hết sức hạn hẹp. Trong khi đó, có những trụ sở của Bộ ở tại TP. Hồ Chí Minh có thể sử dụng cho giáo dục đào tạo, y tế, cho các thiết chế văn hoá. Hay địa bàn Quận 8, các cơ sở các Bộ ven sông, các kho bãi nói chung là để rất lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc của người dân rất nhiều” - đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn chứng và đề nghị điều 42 về điều chuyển các cơ sở vật chất cần viết một cách cụ thể hơn, cần giao lại quyền đó cho lãnh đạo địa phương nhiều hơn để theo dõi quản lý, phát hiện trụ sở của cơ quan Bộ để lãng phí thì được quyền thu hồi để đảm bảo tính hiệu quả.
Theo đại biểu Ngân, nếu muốn điều chuyển, muốn xin chuyển giao trụ sở phải được sự đồng ý của các Bộ, cơ quan quản lý, trong đó có ý kiến của Bộ Tài chính là không hợp lý.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc