Bộ trưởng Tài chính: "Sẽ nhân rộng mô hình khoán xe công"

21:04, 21/10/2016
|
(VnMedia) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc khoán xe công đang diễn ra rất tốt đẹp. Vì vậy, sắp tới sẽ nhân rộng mô hình này.
 

 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
 
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc khoán xe công có thể triển khai theo nhiều hướng. Thứ nhất, hiện nay, tiêu chuẩn của các thứ trưởng, tổng cục trưởng là có ô tô riêng thì tới đây không có ô tô nữa mà tiền tệ hoá theo khung từ 5-10 triệu đồng. Từng cơ quan sẽ xác định và quyết định cụ thể việc này, lúc đó không mua xe nữa thì sẽ bớt được đầu xe đi thôi.
 
Hướng thứ hai, theo ông Đinh Tiến Dung là có thể gom các văn phòng, UBND tỉnh, HĐND tỉnh, và kể cả văn phòng đoàn ĐBQH thành một đầu mối xe chung vì như hiện nay là rất bất cập.
 
Ví dụ như HĐND mà định mức cũng 2 xe nhưng ít người đi, trong khi văn phòng UBND cũng 2 xe thì có 3-4 Phó chủ tịch đi lại hàng ngày, như thế thì lại thiếu. Vì thế phải gom lại, lúc đó còn 1 văn phòng nhưng 7-8 xe, không còn xe riêng cho từng cá nhân nữa thì đầu xe sẽ giảm.
 
Còn theo hướng thứ ba là phụ thuộc địa phương, địa hình nơi đó để bố trí xe. Ví dụ, cũng là một xe thôi nhưng quy định 600 hay 700 triệu/xe, ở miền xuôi thì được nhưng mà ở miền núi lại không phù hợp.
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng việc khoán xe công cho các chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng ở Bộ Tài chính đang diễn ra tốt đẹp, các cá nhân nhận khoán xe công đều vui vẻ, cảm thấy thoải mái khi sử dụng xe riêng, taxi,… “Chính sách này sẽ thực hiện từng bước, vừa làm vừa rà soát đầu xe, lái xe để từng bước giảm nhân lực cũng như giảm xe công” - ông Dũng nói.
 
Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, khi giao khoán 5-10 triệu đồng cho các lãnh đạo có hệ số 1,25 sẽ tiến tới các cơ quan không cần mua xe mới cho từng cá nhân mà mọi người sẽ dùng chung xe hiện có, như vậy sẽ không có tình trạng mỗi người một xe như trước kia.
 
Muốn thực hiện tốt được chính sách khoán xe công, sắp tới Bộ Tài chính sẽ đề xuất sửa Quyết định 32 của Thủ tướng với quan điểm “tiền tệ hóa” tiêu chuẩn chế độ.
 
“Trước đây chúng ta làm được chính sách khoán nhà ở thì khoán xe công là việc rất đơn giản. Điều quan trọng là cần thay đổi tư duy, định hướng chính sách cho lãnh đạo các cấp, cũng như sắp xếp lại bộ máy nhân sự lái xe một cách hợp lý, tránh gây xáo trộn đến đời sống của bộ phận này” - ông Dũng nói.
 
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô. Thời điểm thực hiện từ ngày 1-10-2016. Theo đó, Bộ Tài chính áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.
 
Đơn giá khoán sẽ được xác định theo mức giá của các hãng xe taxi (loại bốn chỗ) phổ biến trên thị trường; số kilomet khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc. Để cụ thể hóa mức khoán, Cục Tài chính-Kế hoạch (Bộ Tài chính) đã trình đơn giá khoán chi phí sử dụng xe công với chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính là 15.000 đồng/km (giá cước taxi cao nhất).
 
Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Trần Xuân Hà, Nguyễn Hữu Chí có mức khoán cao nhất 9,9 triệu đồng/tháng với cự ly khoán là 15 km; tiếp đến là Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, Vũ Thị Mai có mức khoán 5,2 triệu đồng/tháng với 8 km và thứ trưởng có mức khoán thấp nhất là Huỳnh Quang Hải 3,9 triệu đồng/tháng với 6 km. Tổng cộng mỗi tháng, Bộ Tài chính sẽ chi ra 44,2 triệu đồng tiền khoán xe cho các thứ trưởng.
 
Khánh An

Ý kiến bạn đọc