(VnMedia) - Tối muộn ngày 15/9, ông Ngô Việt Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2 (chủ đầu tư dự án Sông Bung 2) đã phản hồi trước thông tin cho rằng, Hội đồng nghiệm thu Thủy điện đã không mời tỉnh Quảng Nam tham gia nên tỉnh chưa nghe, chưa biết về những cảnh báo liên quan đến dự án Thuỷ điện này.
Theo đó, ông Ngô Việt Hải khẳng định, chính tỉnh Quảng Nam đã có ý kiến cho phép tích nước dự án này!
Hiện trường sự cố thủy điện Sông Bung 2 - ảnh: Đất Việt |
Theo những thông tin được ông Ngô Việt Hải cung cấp cho phóng viên thì UBND tỉnh Quảng Nam ngày 23/8 đã có văn bản số 4036 về việc tích nước hồ chứa thuỷ điện Sông Bung 2.
Theo văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký thì xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường và hồ sơ kèm theo về việc tích nước hồ chứa thuỷ điện Sông Bung 2, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép tích nước hồ chứa thuỷ điện Sông Bung 2 sau khi Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện Sông Bung 2 đã thực hiện xong một số nhiệm vụ theo quy định.
Theo đó, Ban Quản lý dự án đã phối hợp với UBND các huyện Nam Giang và Tây Giang, UBND các xã thuộc 2 huyện này để tổ chức họp nhân dân, thông báo thời gian tích nước hồ cho mọi người dân vùng ảnh hưởng được biết; đồng thời tuyên truyền, phổ biến các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ vùng lòng hồ theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Cùng với đó, tiến hành nghiệm thu và có chứng nhận đã an toàn đập theo quy định tại Nghị định số 209 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 49 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 209; thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Thông tư 34 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập của công trình thuỷ điện.
Thứ 3, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan có phương án phòng, chống lũ cho nhân dân ở vùng thượng, hạ lưu công trình khi có lũ và sự cố công trình xảy ra cũng như phương án bảo vệ đập, bảo vệ công trình đảm bảo an toàn tuyệt về người và phương tiện đang thi công trong quá trình tích nước và vận hành.
Văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam về việc đồng ý cho Thủy điện Sông Bung 2 tích nước |
Tiếp đó, ngày 24/8, Sở Công Thương tỉnh này cũng có văn bản số 1009 gửi Ban Quản lý dự án thuỷ điện Sông Bung 2 về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng các hạng mục, công trình, công trình thuỷ điện Sông Bung 2.
Theo văn bản này thì qua quan sát hiện trường, Sở Công Thương nhận thấy các hạng mục công trình đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu cơ bản đảm bảo chất lượng theo hồ sơ thiết kế.
Sở Công Thương cũng đánh giá dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý, tuân thủ các thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật. Hồ sơ nghiệm thu tuân thủ đúng trình tự, quy định về quản lý chất lượng công trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế.
Do đó, Sở này thống nhất để Chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục có liên quan để tổ chức nghiệm thu, đưa các hạng mục công trình vào sử dụng như: đập dâng, đập tràn, hầm dẫn dòng, cửa lấy nước, hầm phụ 1 và hầm dẫn nước mũi 1.
Không có chuyện ký hợp đồng với nhà thầu yếu kém (?!)
Về thông tin cho rằng Ban quản lý dự án ký hợp đồng với từng nhà thầu thi công, trong đó có một số nhà thầu yếu về năng lực; năng lực quản lý dự án của Ban quản lý dự án Thủy điện Sông Bung 2 còn nhiều hạn chế…, ông Ngô Việt Hải khẳng định, Ban Quản lý dự án ký hợp đồng với bất cứ nhà thầu nào đều có sự chấp thuận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo cơ chế đã có quy định.
Ông Hải cũng khẳng định, Ban quản lý hoàn toàn không có quyền tự ký trừ gói thầu nhỏ (nhưng cũng phải được EVN phê duyệt về kết quả đấu thầu) và không hề có văn bản nào đánh giá là Ban quản lý ký hợp đồng với nhà thầu năng lực kém hay Ban quản lý năng lực kém.
Sự cố Thủy điện Sông Bung 2 xảy ra khiến 2 người mất tích chỉ ngay sau khi được Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN nghiệm thu được 19 ngày. Đây là hầm thủy điện lớn nhất nước ta hiện nay, với chiều dài hầm 393m, cao 14m, rộng 12m.
Vốn đầu tư ban đầu được phê duyệt của Dự án là trên 3.600 tỉ đồng nhưng đến tháng 5 vừa qua, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký quyết định phê duyệt Tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 của Dự án lên 5.239,583 tỷ đồng (tăng thêm trên 1.600 tỉ đồng).
Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, mọi khâu từ khảo sát, phê duyệt, quyết định đầu tư, cho đến nghiệm thu…, Quảng Nam không hề được tham gia mà chỉ có trách nhiệm trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư.
Ông Toàn cũng khẳng định, công trình này do Bộ Công Thương cấp phép và quản lý nên trách nhiệm thuộc về Tập đoàn EVN, đồng thời đặt vấn đề nghi vấn về chất lượng công trình.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc