Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Thi cử thay đổi là theo lộ trình "rất khoa học"!

07:38, 11/09/2016
|

(VnMedia) - Trong khi dư luận bức xúc cho rằng việc liên tục thay đổi cách thi khiến học sinh hoang mang lo lắng thì Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, Bộ thay đổi như vậy là vì học sinh và sự thay đổi đó nằm trong lộ trình "rất khoa học" mà Bộ đã chủ động thiết kế...

thi đại học
Thi đại học 2017 sẽ có nhiều thay đổi - ảnh minh họa

Ngày 9/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố “Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017”, với nhiều điểm thay đổi, đặc biệt là về các môn thi. Theo đó, có 5 bài thi dành cho thí sinh là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Như vậy, với những học sinh đang học lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi năm sau thì đây là một vấn đề mà các em và gia đình đặc biệt quan tâm, muốn tìm hiểu kỹ về sự thay đổi khá đột ngột này, bởi mấy năm nay, cách thi chẳng năm nào giống năm nào.

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải thích về những vấn đề mà học sinh và phụ huynh lo lắng.

- Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết vì sao Bộ Giáo dục và đào tạo lại quyết định đổi mới phương thức thi theo phương án này?

Trước khi đổi mới phương án thi thì hàng năm các em có 4 đợt thi, điều này khiến ai cũng mỏi mệt. Hai năm nay, chúng ta đổi mới chỉ còn một đợt thi duy nhất, xã hội đã thở phào nhẹ nhõm, và đặc biệt là các cháu cũng không phải đi xa để thi nữa. Tuy  nhiên, vẫn còn những điều chúng ta phải cải tiến nữa để cho kỳ thi nhẹ nhàng hơn.

Năm 2016, chúng ta vẫn phải huy động một lượng lớn các trường đại học về các địa phương để tham gia chủ trì và tổ chức các cụm thi. Thí sinh cũng vẫn phải thi tới 8 môn trong 4 ngày nên thời gian rất dài, mỏi mệt và tốn kém, phức tạp cho công tác tổ chức thi. Trong khi đó, đề thi lại là đề tự luận nên cũng gây mất nhiều thời gian chấm thi,.. Tất cả những vấn đề đó, chúng ta có thể cải tiến thêm để làm cho kỳ thi hoàn hảo và nhẹ nhàng hơn.

- Nhiều thí sinh lo lắng về sự thay đổi đột ngột, quá nhanh khiến học sinh "quay như chong chóng", trong đó có ý kiến cho rằng không nên thi trắc nghiệm môn toán vì làm mất đi cái hay của việc giải toán. Vậy, xin Thứ trưởng cho biết, tại sao môn toán lại thi trắc nghiệm?

Đối với môn toán, chúng ta có thể có nhiều cách giải khác nhau nhưng chỉ có một đáp số. Những em giỏi, giải nhanh thì đến đáp số nhanh hơn và sẽ có nhiều thời gian để làm những câu hỏi khác. Đối với Việt Nam thì mới, còn trên thế giới họ áp dụng thi trắc nghiệm môn toán từ lâu.

Từ năm 2006, chúng tôi đã tính đưa môn toán thi trắc nghiệm nhưng khi đó xã hội chưa đồng tình và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. 10  năm qua, chúng ta đã học hỏi rất nhiều từ kinh nghiệm thế giới và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện kỳ thi đánh giá năng lực bằng cách trắc nghiệm hoàn toàn. Trong 3-4 năm vừa rồi, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức đề thi, thi đánh giá năng lực và kết quả rất hoàn hảo, được xã hội đánh giá cao. Theo đó, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực so sánh kết quả kỳ thi THPT Quốc gia cũng như kết quả học sinh đạt được trong quá trình học môn toán rất trùng khớp với nhau.

- Một trong những vấn đề khiến học sinh rất lo lắng, đó là dự kiến năm tới sẽ có 2 môn tổng hợp, trong đó Khoa học Tự nhiên bao gồm Lý, Hóa, Sinh và Khoa học Xã hội bao gồm Sử, Địa và Giáo dục công dân. Chúng ta đều biết các em đã có quá trình học lệch từ trước, vậy 1 năm tới các em có đủ kịp để đáp ứng các đề thi rất là tổng hợp như vậy hay không, thưa Thứ trưởng?

Các em không có gì lo lắng cả vì đây là tổ hợp thi chứ không phải tích hợp. Tổ hợp tức là 3 môn riêng rẽ với nhau chứ không phải kiến thức thi môn Lý chồng lên môn Hóa. Vì vậy, các em cứ học, thi bình thường, không có gì thay đổi cả. Nếu các em thi khối A như trước đây thì cứ học bình thường, còn nếu các trường ĐH lấy tổ hợp môn để xét tuyển thì các trường có thể dùng cả bài thi đó hoặc dùng các phần của bài thi, ví dụ như phần Lý hay phần Hóa... để xét tuyển.

- Tại sao Bộ không chờ tổng kết, rút kinh nghiệm qua rất nhiều kỳ thi rồi thay đổi luôn một thể chứ mỗi năm một thay đổi các em theo không kịp?

Chính là vì các em nên Bộ thay đổi từng bước như vậy. Nếu thay đổi mà làm ngay lập tức trong một năm thì các em sẽ không thể nào thích ứng kịp. Cho nên 3 năm qua Bộ đã thay đổi từng bước. Mỗi lần đổi mới như vậy làm cho các em nhẹ nhàng hơn, quyền lợi của các em cao hơn khi tham gia xét tuyển. Tất cả những đổi mới mà Bộ đang tiến hành là theo một lộ trình rất khoa học, và Bộ hoàn toàn chủ động thiết kế các bước đi để làm sao các em không bị sốc. Vì vậy, các em cứ yên tâm ôn tập như bình thường, không có gì thay đổi về chương trình thi. Nội dung thi vẫn nằm trong chương trình phổ thông, đặc biệt là lớp 12.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc