(VnMedia)- Liên quan đến vụ việc sập nhà 5 tầng khiến 3 người chết, 3 người bị thương ở Cao Bằng nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư Tp. Hà Nội về vụ việc này.
Như VnMedia đã đưa tin, vào khoảng 3h sáng ngày 17/4/2016, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Vào thời điểm trên, ngôi nhà 5 tầng tại tổ 30, phố Kim Đồng, phường Hợp Giang (TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) của gia đình ông Nguyễn Hữu Điếm bất ngờ đổ sập khiến 3 người trong gia đình tử vong tại chỗ, 3 người khác trong gia đình bị thương nặng.
Tuy nhiên, hơn 4 tháng sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra đến thời điểm này phía cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc, cũng như có hướng chỉ đạo khắc phục hậu quả một cách tích cực khiến gia đình nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, đơn vị thi công lại tỏ ra khá thờ ơ và vô trách nghiệm khi chỉ định giá căn nhà để bồi thường mà không xem xét bồi thường về việc gây ra cái chết của 3 nạn nhân.
Liên quan đến vụ việc sập nhà 5 tầng khiến 3 người chết, 3 người bị thương ở Cao Bằng nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú – Đoàn luật sư Tp. Hà Nội về vụ việc này.
Luật sư Trương Anh Tú. |
Thưa luật sư, quan điểm của ông về vụ việc trên?
Theo các thông tin mà Quý báo cung cấp, tôi đánh giá vụ việc trên là đặc biệt nghiêm trọng, có thể đánh giá tính nghiêm trọng của vụ việc này còn lớn hơn vụ việc sập nhà tại 43 Cửa Bắc mà dư luận sôi sục thời gian qua.
Với vụ việc có dấu hiệu hình sự và tính chất đặc biệt nghiêm trọng như vậy, lẽ ra ngay sau khi vụ việc xảy ra Cơ quan CSĐT phải nhanh chóng khởi tố vụ án theo Điều 13, Điều 100 và Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Vụ việc xảy ra từ ngày 16/4/2016 nhưng đến nay Cơ quan CSĐT vẫn chỉ có vài động thái xác minh vụ việc, theo ông liệu có hợp lý?
Về nguyên tắc và theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, khi nắm được thông tin một vụ việc có dấu hiệu hình sự đã xảy ra, Cơ quan CSĐT trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình phải khởi tố vụ án hình sự.
Việc khảo sát địa chất nơi có công trình, giám định bê tông của ngôi nhà bị sập là những công việc cần thiết, nhưng lẽ ra nên triển khai sau khi khởi tố vụ án để làm cơ sở tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh.
Do đó, đến nay đã hơn 04 tháng trôi qua nhưng vụ việc này vẫn chưa được khởi tố vụ án hình sự là một điều hết sức khó hiểu và cần làm rõ vì sao Cơ quan CSĐT lại chần chừ, chậm trễ như vậy.
Theo đánh giá sơ bộ của ông thì nếu xác định đúng bên thi công gây sập nhà người khác dẫn đến chết nhiều người như vụ việc này sẽ bị xử lý theo tội danh nào?
Ngôi nhà bị sập mới xây dựng từ tháng 02/2016 do đó phải có tác động lớn vào kết cấu xây dựng của ngôi nhà này thì mới khiến ngôi nhà đổ sụp hoàn toàn. Khả năng là do phần mong bị xâm phạm nghiêm trọng dẫn đến sụt lún, nghiêng và đổ sập hoàn toàn.
Nếu điều tra xác minh đúng tác nhân chính dẫn đến sự cố này là do quá trình thi công công trình liền kề của Công ty Xuân Hòa gây ra thì người chỉ đạo thi công, người trực tiếp thực hiện công việc thi công dẫn đến hậu quả trên sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự “Tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật hình sự. Vụ việc này có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì làm chết 03 mạng người, 02 người bị thương tích, đổ sập hoàn toàn ngôi nhà 05 tầng 01 tum nên các đối tượng này rất có thể đối mặt với khung hình phạt từ 8 năm đến 20 năm theo quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật hình sự.
Trong thời gian tới gia đình nạn nhân cần phải làm gì để vụ việc trên được xử lý đúng theo quy định của pháp luật?
Tôi được biết là gia đình nạn nhân đã có đơn gửi Cơ quan CSĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. Đồng thời, vụ việc trên có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thuộc trường hợp khởi tố không cần có yêu cầu của người bị hại nên lẽ ra Cơ quan CSĐT công an tỉnh Cao Bằng đã phải khởi tố vụ án để điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Việc Cơ quan CSĐT chần chừ, chậm trễ giải quyết vụ việc là chưa tuân thủ chặt chẽ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, cần có biện pháp khắc phục. Gia đình nạn nhân và dư luận xã hội không thể chờ đợi quá lâu để công lý được thực thi.
Do đó, trong thời gian tới nếu Cơ quan CSĐT vẫn không có động thái giải quyết vụ việc thì gia đình nạn nhân cần nhờ Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Luật sư sẽ hướng dẫn gia đình thực hiện các công việc cần thiết và Luật sư sẽ có quan điểm trực tiếp với Cơ quan CSĐT để giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Xin cám ơn luật sư!
Nhật Nguyệt (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc