(VnMedia) - "Chúng tôi đặt ra các tiêu chí là đưa các dịch vụ vào ở mức độ tối thiểu, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng chứ không có ý định tổ chức khu vực này thành khu vực kinh doanh thương mại, hàng quán…” - ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm trao đổi với VnMedia.
Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Mỹ Dung |
Những ngày qua người dân Thủ đô Hà Nội và du khách đặc biệt quan tâm đến sự kiện Hà Nội tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Hầu hết các ý kiến đều hết sức ủng hộ và vui mừng trước quyết định này của lãnh đạo Thành phố. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một vài điểm chưa thực sự hoàn thiện khiến một số rất ít người dân băn khoăn như: phố đi bộ ảnh hưởng đến việc kinh doanh hoặc thói quen đi lại của một số hộ dân; tình trạng hàng rong chèo kéo khách; hiện tượng vứt rác bừa bãi; khó tìm nơi gửi xe…
VnMedia đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm về những thông tin ban đầu sau 3 ngày thử nghiệm.
- Xin ông cho biết đánh giá sơ bộ của quận Hoàn Kiếm sau 3 ngày thử nghiệm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm?
Về tổng thể thì hiện nay các đơn vị đang tiếp tục tổng hợp thông tin, tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu thì khu vực hồ Hoàn Kiếm là không gian cảnh quan có giá trị di sản của Thủ đô, là khu vực có lượng dân cư ít và có nhiều cơ quan nên việc tổ chức tạo lập ra một không gian đi bộ trong khu vực trung tâm vào các ngày nghỉ cuối tuần là hoàn toàn phù hợp.
Việc mở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm có nhiều cái lợi. Thứ nhất, tạo lập phố đi bộ mọi người quay lại với thói quen đi bộ, tốt cho sức khỏe, giảm khí thải trong khu vực trung tâm, giảm tiếng ồn, giảm chi phí xăng xe, đặc biệt làm cho con người cởi mở hơn, thân thiện hơn, bản thân mỗi cá nhân cảm thấy mình được trân trọng hơn và họ cũng tôn trọng nhau hơn.
Con người luôn mong muốn được giao tiếp nhưng người Hà Nội hiện đang rất thiếu các không gian giao tiếp cộng đồng. Vì vậy, khi tạo lập ra một không gian như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu đó và cuốn hút người dân đến khu vực này. Những ngày vừa qua, qua quan sát tôi thấy người dân khi đến đây có khuôn mặt rất thư thái và thân thiện.
Theo chúng tôi đánh giá, cái được là vể tổng thể, cơ bản người dân đều đồng tình. Thứ hai là ý thức của người dân bắt đầu nâng lên, như hình ảnh xếp hàng chờ vào nhà vệ sinh là một thói quen đã bị mất từ lâu đã và đang trở lại. Đặc biệt, người dân giao tiếp cởi mở hơn, thân thiện hơn.
Tuy nhiên, không gian này vẫn có một số người dân sinh sống và kinh doanh, khi tổ chức không gian đi bộ, làm ảnh hưởng phần nào đến thói quen sinh hoạt của người dân là những điều mà trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tìm giải pháp cho phù hợp.
Về mặt kinh doanh, qua theo dõi chúng tôi thấy có một số mặt hàng không phù hợp, nhưng tùy theo nhu cầu của người dân và du khách thì có những cửa hàng sẽ chuyển đổi. Trên thực tế, hiện đã có một số cửa hàng đã chuyển đổi sang mặt hàng dịch vụ rồi.
- Đó là về phía người dân, còn về phía chính quyền quận thì trong thời gian tới có chủ động tổ chức các dịch vụ như bán hàng rong, hàng dịch vụ… nhưng có kiểm soát, được tập huấn bài bản không, thưa ông?
Trong những ngày vừa qua, xuất phát từ nhu cầu của du khách và cũng do trước đây khu vực hồ Hoàn Kiếm vào dịp lễ, Tết vẫn có một lượng tương đối lớn hàng rong đến bán. Trong thời gian thí điểm không gian đi bộ, chúng tôi đã hạn chế rất nhiều hàng rong đi vào khu vực này, tuy nhiên vẫn còn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa vào các loại hình dịch vụ để hạn chế hàng rong.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải điều tra để nắm được lượng người đến khu vực, từ đó mới đưa ra các giải pháp, loại hình dịch vụ nào cho phù hợp và với mức độ bao nhiêu. Tất cả những cái đó đều phải nghiên cứu, vì nếu đưa vào nhiều thì sẽ rất khó cho công tác quản lý, đồng thời ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ở đây chúng tôi đặt ra các tiêu chí là đưa vào ở mức độ tối thiểu, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng chứ không có ý định tổ chức khu vực này thành khu vực kinh doanh thương mại, hàng quán… Trước mắt, chúng tôi sẽ lắp thêm 5 cây nước tự động và tùy theo lượng du khách để đẩy dần lên
Không gian của phố đi bộ là một không gian văn hóa của Thành phố và tất cả các loại hình dịch vụ, kể cả người dân tham gia kinh doanh đều là để phục vụ cho hình ảnh của Thủ đô. Chính vì vậy, việc tổ chức hoạt động như thế nào, người tham gia kinh doanh ra sao sẽ tiếp tục được hoàn thiện, chúng tôi sẽ có những giải pháp để nâng cao nhận thức của những người làm dịch vụ trong khu vực này.
- Trong những ngày vừa qua, vẫn còn tái diễn tình trạng xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan, mất vệ sinh. Trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm có tổ chức xử phạt với các hành vi này hay không, thưa ông?
Trong thời điểm hiện nay đang là giai đoạn thí điểm nên trước hết, chúng tôi tăng cường lực lượng thu gom, kêu gọi lực lượng tổ chức tình nguyện viên tham gia, tuyên truyền để người dân bỏ rác đúng nơi quy định; đặt thêm thùng rác cùng các phương án thu gom kịp thời.
Tối 2/9 vừa qua, rác thải khu vực hồ Hoàn Kiếm rất lớn, qua kiểm tra thấy có những bất cập nên sau đó chúng tôi đã triển khai rút kinh nghiệm ngay và trong các buổi tối 3-4/9 đã kiểm soát được vấn đề này. Ngoài ra, chúng tôi có kêu gọi các đoàn thể, đoàn thanh niên tham gia tình nguyện để thu gom, hỗ trợ cho công ty Urenco Hoàn Kiếm chuyển rác thải ra khỏi địa bàn quận. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền gắn với xử phạt các hành vi vi phạm, còn trong những ngày vừa qua mới chỉ nhắc nhở.
Việc xử phạt phụ thuộc vào nhận thức của người dân, khi chúng ta tuyên truyền mà chuyển biến tốt, có chiều hướng tích cực thì không nhất thiết phải xử phạt. Mục đích của chúng ta là giữ môi trường sạch và người dân, khách du lịch đến đây chấp hành, còn dùng biện pháp nào thì sẽ có nhiều cách để triển khai.
Hiện nay, chúng tôi đã xử phạt những hộ kinh doanh và nhà dân vứt rác không đúng nơi quy định trên địa bàn quận, còn với du khách thì chưa áp dụng.
- Một vấn đề rất quan trọng, đó là việc tổ chức trông giữ xe cho người dân đi vào khu vực đi bộ. Những ngày vừa qua có điều gì cần rút kinh nghiệm không, thưa ông?
Trước hết, chúng tôi đã tiến hành xử phạt rất cao với những trường hợp vi phạm, trông giữ xe tự phát với giá cao. Mức phạt lên đến 18 triệu đồng/trường hợp.
Còn với người dân, sẽ tiếp tục tuyên truyền các điểm trông giữ, đồng thời công khai sơ đồ phân luồng giao thông để mọi người biết các hướng tiếp cận. Hiện nay, nhiều người vẫn tiếp cận bãi đỗ xe theo thói quen là các khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, nhưng thực tế khu vực phía Nam có nhiều điểm trông giữ xe rất rộng.
- Về phương tiện công cộng, quận Hoàn Kiếm có đề xuất với Thành phố tăng thêm các tuyến xe buýt từ khu vực ngoại biên đi vào trung tâm các ngày cuối tuần không, thưa ông?
Hướng xe buýt đổ về Bờ Hồ trước đây đã được thực hiện tốt và hiện nay đã chuyển đổi các điểm đỗ không để nằm trong khu vực hồ mà chỉ nằm ở khu vực tiếp giáp. Việc có tăng cường hơn hay không thì hiện chúng tôi đang thu thập số liệu, từ đó sẽ có phương án điều chỉnh. Tất cả những dịch vụ đều phụ thuộc vào lượng người, cứ làm dần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Tuệ Khanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc