(VnMedia) - Thu phí ô tô đi vào khu vực trung tâm; cấm xe máy ngoại tỉnh; dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ôtô, xe máy tại 4 quận nội đô. tăng phí trông giữ ôtô, xe máy tại khu vực trung tâm... là những nội dung chính của Đề án...
Hà Nội đề xuất thu phí ô tô đi vào khu vực trung tâm Thành phố |
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố".
Theo bản dự thảo Đề án, ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí. Hà Nội sẽ dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ôtô, xe máy tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và tăng phí trông giữ ôtô, xe máy tại khu vực trung tâm, không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân.
Với xe máy, lộ trình hạn chế sẽ chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.
Giai đoạn 2 từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).
Giai đoạn 3 đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.
Với ô tô cá nhân, Đề án đề xuất hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.
Thành phố cũng sẽ dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ôtô, xe máy tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và tăng phí trông giữ ôtô, xe máy tại khu vực trung tâm, không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân.
Cơ sở để Sở GTVT Hà Nội đưa ra các đề xuất về hạn chế xe cá nhân là dự báo, tổng số chuyến đi/ngày đêm đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội là 23,4 triệu chuyến đi và đến năm 2025 là 25,8 triệu chuyến đi.
Đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng Hà Nội đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị chiếm 2% - 3%. Đến năm 2030, tỷ lệ đảm nhận VTHKCC đáp ứng khoảng 40% nhu cầu đi lại trong đó đường sắt đô thị khoảng 17%.
Nếu cứ để phương tiện cá nhân tăng trưởng tự nhiên thì đến năm 2020 là 938.378 xe ô tô; 6.280.815 xe máy và đến 2025: 1.328.809 ô tô; 7.316.660 xe máy.
Như vậy, đến 2020, nếu toàn bộ số phương tiện đỗ ra đường trên toàn thành phố sẽ chiếm 99,89% diện tích mặt đường; nếu toàn bộ phương tiện lưu hành với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 502% (5,02 lần) diện tích mặt đường của thành phố.
Nếu trong vành đai 3 thì con số này tăng gấp nhiều lần là 148% và 762% (tức là vượt khả năng đáp ứng của đường bộ 7,62 lần) sẽ thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Vì vậy, Đề án đưa ra mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông cùng với các giải pháp quản lý phương tiện giao thông, phát huy tối đa năng lực của vận tải hành khách công cộng để đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 25%, tương đương giảm khoảng 20.000 ô tô con/năm và 120.000 xe máy/năm; Đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 32% tương đương, tương đương giảm khoảng 30.000 ô tô con/năm và 180.000 xe máy/năm.
Để đạt được các mục tiêu trên, Sở GTVT đặt lộ trình phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, đầu tư mới 500-550 xe buýt mỗi năm (gồm cả mini buýt); Mạng lưới xe buýt nhanh BRT đến năm 2020 sẽ có 3 tuyến là Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa dài 14km; tuyến đi theo vành đai 3 Mai Dịch - Dương Xá dài 25km; tuyến đi theo vành đai 2,5 và quốc lộ 5 kéo dài 54km.
Đường sắt đô thị sẽ hoàn thành 5 tuyến, gồm tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên; tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông; tuyến số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội; tuyến số 5 đoạn Văn Cao – vành đai 4.
Theo Sở GTVT, Đề án cũng dựa vào kinh nghiệm của một số Thành phố trên thế giới, ngoài việc phát triển vận tải hành khách công cộng, quản lý sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân thì cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý phương tiện tham gia giao thông, triển khai hệ thống giám sát giao thông và thu phí tự động, đồng thời phải nâng cao được ý thức tự giác thực hiện pháp luật và hình thành văn hóa giao thông đồng thời có các biện pháp xử lý nghiêm và mạnh của các giải pháp quản lý.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc