Bức xúc nhất là không minh bạch trong sở hữu trí tuệ

08:43, 30/09/2016
|

(VnMedia) - Đối với doanh nghiệp lớn, người nước ngoài, điều bức xúc nhất không phải là mức phí mà là minh bạch, thời gian, khả năng thực thi quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

sở hữu trí tuệ
Điều quan trọng không phải là mức phí mà là minh bạch trong đăng ký sở hữu trí tuệ - ảnh minh họa

Ngày 29/9, làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu thay đổi mạnh mẽ cách làm, quy trình, thủ tục, cơ chế thẩm định, thực thi để tạo ra bước bứt phá, thúc đẩy sáng tạo quốc gia, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho biết trong giai đoạn 2011-2015, Cục đã nhận được 390.876 đơn hoặc yêu cầu các loại, đã xử lý được 338.387 đơn, còn tồn đọng hơn 50.000 đơn.

Lượng đơn nộp vào Cục SHTT liên tục gia tăng, bản chất đơn ngày càng phức tạp, thời gian tra cứu để thẩm định đơn ngày càng lâu, trong khi đó các điều kiện để phục vụ công tác thẩm định đơn (quy trình, thủ tục, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu, v.v...) chưa được cải thiện trong một thời gian dài đã dẫn đến việc tồn đọng một lượng đơn không nhỏ.

Trong khi đó, vướng mắc về cơ chế tài chính, mức phí nhiều năm không thay đổi khiến đơn vị không có nguồn lực đầu tư, đổi mới.

Ghi nhận những khó khăn trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh có rất nhiều bất cập có thể tháo gỡ bằng cơ chế; tinh thần là nghiên cứu, học theo cách làm của thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, công tác chỉ đạo chung thì hoạt động của bản thân Cục SHTT chưa tốt ngay ở việc nhỏ nhất là giải quyết thông thoáng, minh bạch từ việc thẩm định, cấp văn bằng chứng nhận đến thực thi bảo hộ quyền SHTT.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết Cục SHTT phải xem xét, rà soát lại toàn bộ quy trình, thủ tục.

“Quy trình ngày xưa có mấy chục đơn, trăm đơn mình làm như vậy, bây giờ mình tăng số người nhưng số đơn tăng nhanh hơn và tới đây tiếp tục tăng thì chắc chắn cách làm phải thay đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các nước như sử dụng kết quả thẩm định của nước ngoài, huy động các tổ chức đại diện thẩm định hồ sơ xin cấp quyền bảo hộ...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về tài chính, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề cốt lõi. Quy định mức chi phí thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ SHTT không được phân biệt đối xử nhưng cần có cơ chế phù hợp với nguyên tắc của WTO để hỗ trợ các đối tượng trong nước. Còn đối với DN lớn, người nước ngoài, điều bức xúc nhất không phải là mức phí mà là minh bạch, thời gian, khả năng thực thi quyền bảo hộ SHTT.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến vấn đề ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý SHTT nhằm rút ngắn quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai minh bạch, “ai nộp trước, xử lý trước, ai nộp sau xử lý sau và biết hồ sơ mình nằm ở đâu”.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng hệ thống sáng tạo quốc gia của Việt Nam sẽ được nâng lên, thực hiện được quyết tâm đến năm 2020 Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 ASEAN về lĩnh vực SHTT.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc