Vụ Formosa nóng trở lại trong cuộc họp báo Chính phủ

21:56, 02/08/2016
|

(VnMedia) - Vấn đề Formosa đã nóng trở lại tại cuộc họp báo Chính phủ sau khi Bộ TN&MT công bố kết luận có dấu hiệu hình sự trong việc chôn lấp chất thải rắn tại Hà Tĩnh, bởi trong chất thải này có chứa chất xyanua nguy hại.... 

Mai Tiến Dũng
Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng

Trả lời câu hỏi về việc kết quả đánh giá môi trường biển miền Trung  đã an toàn cho đánh bắt thuỷ hải sản và các dịch vụ tắm biển chưa? Chính phủ sẽ có phương án như thế nào để sớm khôi phục hệ sinh thái biển miền Trung? Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, công tác khảo sát, đánh giá môi trường biển trải dài hàng trăm km từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi có thời gian và nguồn lực. Bộ TN&MT hiện đang cùng với các Bộ, ngành chức năng khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Y tế... tiến hành nhiệm vụ này một cách khoa học, cẩn trọng và khẩn trương với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.

Ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khác, nhất là Bộ TN&MT xây dựng đề án khôi phục lại hệ sinh thái biển khu vực bị ảnh hưởng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định, quan điểm của Chính phủ về vấn đề môi trường rất rõ ràng: Không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi môi trường. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Mọi vi phạm pháp luật về môi trường đều phải được xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

"Trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc ảnh hưởng xấu đến môi trường được phát hiện. Ngày 20/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, có báo cáo tổng thể với Thủ tướng về tình trạng ô nhiễm môi trường, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và tại các đô thị; công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước…, đề xuất các giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững." - Người phát ngôn Chính phủ thông tin và nhấn mạnh thêm, Bộ trưởng Bộ TN&MT mới đây đã phê duyệt Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước.

Đối với câu hỏ nhiều chuyên gia kinh tế, môi trường cho rằng quy định và việc giám sát xử lý nước thải của Việt Nam thiếu chặt chẽ, khiến doanh nghiệp (DN) có thể “lách” trong khi cùng với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư nước ngoài tới đây sẽ tăng lên, trong đó có những ngành nguy cơ ô nhiễm cao như dệt nhuộm, giấy, sắt thép... Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, vấn đề quản lý nước thải là một nội dung quan trọng của pháp luật về bảo vệ môi trường. Luật bảo vệ môi trường hiện hành cũng như các Nghị định của Chính phủ đã quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cũng như các yêu cầu, quy trình thủ tục trong quản lý, thu gom, xử lý và quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải, trách nhiệm giám sát việc xử lý... Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát thực thi còn nhiều hạn chế, thậm chí có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT và các địa phương tăng cường quản lý nhà nước, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, không tạo kẽ hở để lợi dụng, "lách luật" như báo chí nêu.

Trong thực hiện các hiệp định thương mại tự do tới đây, không loại trừ có sự dịch chuyển đầu tư những ngành có nguy cơ ô nhiễm cao vào Việt Nam. Quan điểm của Chính phủ là thu hút đầu tư phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư, dù ở bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, dù thuộc danh mục khuyến khích đầu tư cũng phải chấp hành nghiêm các quy định về đầu tư, về bảo vệ môi trường, kiên quyết không cấp phép các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi; xử lý nghiêm các vi phạm. Như đã báo cáo Quốc hội, Bộ TN&MT sẽ nghiên cứu, lựa chọn và có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn môi trường cao hơn, tương đương các nước tiên tiến quốc tế.

Tại buổi họp báo, nói về vụ việc phát hiện ra chất cực độc trong chất thải rắn của Formosa được chôn tại Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: "Trong mẫu phân tích từ 3 nơi phát hiện chôn lấp, có phát hiện nồng bộ xyanua vượt quá quy chuẩn ở mức được gọi là chất thải nguy hại. Theo quy định, chất thải có lẫn chất thải nguy hại thì quản lý phải như với chất thải nguy hại. Bộ TN-MT cũng đã lấy mẫu nước ngầm, đất ở khu vực chôn lấp để xem có tác động môi trường không."

"May là do phát hiện sớm, chốn lấp chưa lâu nên chưa bị ảnh hưởng đến môi trường, các thông số vẫn trong tiêu chuẩn cho phép. Với 390 tấn chất thải nguy hại đem đi chôn, Formosa và các cơ quan ở Kỳ Anh phải chọn doanh nghiệp có năng lực được cấp phép để xử lý. Cách tốt nhất hiện nay là đốt, thiêu hủy đến khi bùn, đất không còn gây hại môi trường" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đối với các cơ quan môi trường Hà Tĩnh, Bộ trưởng cho biết đã kiểm điểm vì đây là thiếu sót lớn của các cấp địa phương. Ông cho biết bộ sẽ kiểm kê toàn bộ chất thải của Formosa, cả số đã thu gọm, số cất trong nhà kho, số đã ký kết xử lý..., để xem còn ở đâu nữa không, còn doanh nghiệp Hà Tĩnh nào nhận và cố tình đổ ra môi trường không đúng quy định không.

Bộ trưởng TN&MT khẳng định, hành vi cố tình đổ chất thải, dù nguy hại hay không, ra môi trường là rất nghiêm trọng, không phải lần đầu và là hành vi cố ý, có nhiều người thực hiện. Do đó toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho Công an Hà Tĩnh để điều tra.

"Formosa đã thực hiện không đúng việc phân loại, kiểm đếm, thống kê chất thải, cung cấp cho nhà xử lý không đủ năng lực, cũng là vi phạm của chủ nguồn thải. Bộ đã yêu cầu Formosa kiểm kê toàn bộ chất thải, kể cả chất thải thông thường, để lựa chọn DN có năng lực để vận chuyển và xử lý, báo cáo trực tiếp với Bộ TN&MT" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

"Bộ cũng tăng cường lực lượng đáng kể, đưa hai phòng thí nghiệm di động để kiểm soát toàn bộ, tiếp tục xử lý các vấn đề trước đây để phòng ngừa các sự cố môi trường...", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, Formosa có "khó khăn khách quan" khi Hà Tĩnh không có DN xử thải đủ năng lực, phải tìm DN ngoài tỉnh.

Vấn đề cho Formosa thuê đất và cấp phép đầu tư 70 năm, câu hỏi của phóng viên là có xem xét lại không vàxem xét trách nhiệm như thế nào, có thu hồi giấy phép và hồi tố không, Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, các luật Đất đai và Đầu tư có cho phép 70 năm.

"Luật Đầu tư 2014 đã có quy định về tạm ngừng, ngừng hoạt động đối với DN để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Cũng theo luật, nếu nhà đầu tư không thể đáp ứng yêu cầu khắc phục, có thể chấm dứt dự án đầu tư", ông Đặng Huy Đông nói.


Ý kiến bạn đọc