(VnMedia)- Mặc dù thừa điểm so với điểm xét tuyển của trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhưng thí sinh người dân tộc H're không nhận được giấy báo nhập học vì lý do địa phương chậm nộp hồ sơ. Thí sinh này đã gửi thư cầu cứu Bộ trưởng Bộ Công an.
Phạm Huy Trải gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Công an. |
Gửi thư kêu cứu Bộ trưởng Bộ Công an
Tại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia vừa qua, Phạm Huy Trải (SN 1998, dân tộc H're; trú tại thôn Tân Long Hạ, xã Ba Động, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đạt tổng số điểm khối C là 23,25 điểm. Nếu cộng thêm điểm ưu tiên dân tộc thiểu số (1,5 điểm), tổng số điểm xét tuyển của Trải là 24,75 điểm.
Phạm Huy Trải và mẹ. |
Với số điểm này, chàng học sinh người dân tộc H're vượt điểm chuẩn ngành Điều tra trinh sát của Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP Hồ Chí Minh, khối C là 22,75 điểm. Ngày 29/7, để hoàn thiện hồ sơ đăng ký vào trường, Phạm Huy Trải đã nộp bảng điểm tốt nghiệp và giấy báo tốt nghiệp tạm thời về công an huyện Ba Tơ. Trước đó, vào tháng 3/2016, Phạm Huy Trải cũng đã gửi hồ sơ lý lịch và giấy khám sức khỏe cho công an huyện Ba Tơ.
Tuy nhiên, trong khi nhiều bạn bè đã nhận giấy báo trúng tuyển Đại học, Phạm Huy Trải lại đứng ngồi không yên vì giấy báo nhập học Đại học Cảnh sát nhân dân TP HCM vẫn “bặt vô âm tín”.
Nguy cơ không được đi học vì địa phương chậm nộp hồ sơ!
Theo bà Ngô Thị Mai, mẹ của thí sinh Phạm Huy Trải, khi thời gian nhập học gần hết mà con chưa nhận được thông báo nhập học, gia đình bà Mai có trực tiếp lên công an hỏi trưởng công an huyện Ba Tơ, thì trưởng Công an huyện Ba Tơ trả lời: "Đang chờ sự giải quyết của công an tỉnh". Thắc mắc với công an tỉnh Quảng Ngãi thì nhận được trả lời: "Việc này do công an huyện Ba Tơ bổ sung hồ sơ không đúng thời hạn, nên đã trả hồ sơ về huyện". Đây chính là lý do, gia đình em Trải đang làm đơn kêu cứu cho Bộ trưởng Bộ Công an.
"Lý lịch gia đình tôi không có gì khuất tất để ảnh hưởng đến việc nhập học của tôi. Lỗi lầm này là do việc Công an huyện Ba Tơ đã không thực hiện đúng quy định của việc nộp hồ sơ lý lịch cho Công an tỉnh. Điều này là vô lý bởi hồ sơ lý lịch của tôi đã được gia đình tôi gửi cách đây nửa năm cho Công an huyện.
Nhưng không hiểu vì sao Công an huyện Ba Tơ chậm trễ trong việc điều tra lý lịch đã gửi muộn sau ngày 5/8/2016. Sự chậm trễ này vô tình làm ảnh hưởng nặng nề khiến tôi không được nhập học, trúng tuyển vào Trường đại học Cảnh sát nhân dân; trong khi giấc mơ của tôi là trở thành người chiến sĩ trong lực lượng cảnh sát nhân dân.
Tôi làm đơn này kính mong lãnh đạo Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP Hồ Chí Minh và các đơn vị báo chí truyền thông hỗ trợ tạo điều kiện, đặc cách để tôi có thêm thời gian vào học tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP Hồ Chí Minh theo đúng thời gian thời gian và quy định", Phạm Huy Trải viết trong đơn gửi Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Một diễn biến khác liên quan đến vụ việc này, trưa 25/8, gia đình thí sinh Phạm Huy Trải đã cùng cán bộ Đội Tổ chức (Công an huyện Ba Tơ) trực tiếp mang hồ sơ lý lịch của em Phạm Huy Trải vào TP HCM, để làm việc với Đại học Cảnh sát nhân dân TP HCM.
Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc văn Sài Gòn (nơi em Trãi học tập 3 năm qua), cũng sẽ viết đơn cũng như hỗ trợ gia đình em Trải, với mong muốn Đại học Cảnh sát nhân dân TP HCM tuyển sinh bổ sung thí sinh Phạm Huy Trãi nhập học trong thời gian tới.
Trước đó, một thí sinh khác cũng gửi tâm thư đến Bộ trưởng Bộ Công an. Đó là thí sinh Nguyễn Như Quỳnh (trú tại xã Minh Khai, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) mặc dù xuất sắc đạt 30,5 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 với số điểm lần lượt là Ngữ văn 9; Lịch sử 8,5; Địa lý 9,5 và 3,5 điểm ưu tiên nhưng vẫn không đủ điều kiện đỗ vào trường Học viện An ninh nhân dân. Cha của thí sinh này đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Công an.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Tiểu Thuận
Ý kiến bạn đọc