Nạn nhân bị cưa chân gửi đơn đến Bộ trưởng Y tế

08:37, 21/08/2016
|

Bị cưa cụt chân do sai sót khám chữa bệnh của bác sĩ Khôi tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, anh Lâm đã gửi đơn đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận nghiêm túc sự việc.

Ngày 19/8, gia đình anh Lê Hoàng Lâm (27 tuổi, ở Long An) đến Văn phòng phía Nam của Bộ Y tế đề nghị chuyển đơn kiến nghị đến Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Trong đơn nêu, ngày 20/6, anh Lâm bị ngã xe, chấn thương ở chân và được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười.

Tại đây, bác sĩ đã thăm khám chẩn đoán bệnh nhân bị tắc mạch khoe (P), chấn thương gối cẳng chân (P) có bán trật gối và cho xử lý truyền dịch, giảm đau, hỗ trợ, nắn trật, cố định, chống nề rồi cho chuyển viện lên Bệnh viện đa khoa Long An.

Tuy nhiên thấy bệnh tình nghiêm trọng nên gia đình quyết định chuyển con lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM để điều trị.

Đơn kiến nghị của anh Lâm gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh:
Đơn kiến nghị của anh Lâm gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Khánh Trung.

Khoảng 23h ngày 20/6, anh Lâm được đưa đến Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM trên tay vẫn còn truyền dịch.

Bác sĩ Trần Chí Khôi đã thăm khám cho chụp X quang và  kết luận anh bị “chấn thương phần mềm gối phải”, sau đó kê toa thuốc, cho bệnh nhân xuất viện và hẹn một tuần sau tái khám.

 "Sau 3 ngày điều trị tại nhà, cẳng chân không cử động được, mất cảm giác nên gia đình tôi buộc phải đưa tôi quay lại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM để kiểm tra lại", bệnh nhân nhớ lại.

Mới vào nhập viện các bác sĩ ở bệnh viện này đã chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy và tiến hành phẫu thuật gấp, cắt cụt chân anh Lâm với kết luận “bệnh nhân bị hoại tử cẳng bàn chân phải - tắc động mạch khoeo chân phải – chấn thương khớp gối phải cần phẫu thuật gấp, cắt cụt 1/3 dưới đùi phải”, để tránh nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, đe dọa về tính mạng.

Theo gia đình bệnh nhân, việc bác sĩ Khôi thăm khám chủ quan, thiếu trách nhiệm, chẩn đoán sai dẫn đến anh Lâm buộc phải cắt 1/3 chân phải trên gối, khiến nam thanh niên vô cùng đau khổ, và nhiều lần có ý định tự tử.

Lãnh đạo bệnh viện trong các buổi hòa giải với gia đình bệnh nhân. Ảnh:
Lãnh đạo bệnh viện trong các buổi hòa giải với gia đình bệnh nhân. Ảnh: Khánh Trung.

Hội đồng chuyên môn Sở y tế TP HCM kết luận bác sĩ Khôi đã làm đúng quy trình và xem đây là một ca khó nên không chịu bồi thường thiệt hại, mà chỉ hỗ trợ một phần, gia đình bệnh nhân phản bác và đưa bằng chứng.

Khi được đưa đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh nhân đang được truyền dịch, chân phải đau nhức, mẹ anh Lâm đã nói với bác sĩ Khôi về tình trạng, lý do tôi chuyển viện và lời cảnh báo của bác sĩ tuyến dưới nghi tắc mạch máu.

 Thế nhưng Bác sĩ Khôi chỉ thăm khám sơ sài, chẩn đoán chấn thương phần mềm (bong gân), không cho anh Lâm nhập viện theo dõi để xác định chính xác bệnh tình mà cho về nên chân bệnh nhân mới hoại tử phải cắt bỏ.

Kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP HCM nêu nhiều điểm không khách quan nhưng cũng đã nhận định bác sĩ Khôi có một phần lỗi, đó là:“đánh giá chưa đầy đủ tình trạng tổn thương phần gối dẫn đến chưa tiên lượng được diễn tiến phức tạp của tổn thương động mạch khoeo”.

Đồng thời, theo chính các bác sĩ trực khám tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM cũng cho người nhà bệnh nhân biết trước khi anh Lâm bị cắt bỏ chân phải nhập viện theo dõi từ 36-72h.

Thứ hai, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM dựa vào kết luận của Hội đồng chuyên môn để cho rằng trường hợp của anh Lâm là “ca khó chẩn đoán” để làm giảm đi phần trách nhiệm cho bác sĩ Khôi cũng là không phù hợp.

Vì trước đó, ở bệnh viện tuyến dưới đã chuẩn đoán bệnh nhân bị “Tắc mạch khoeo (P) / Chấn thương gối cẳng chân (P) có bán trật gối”.

 “Một bệnh viện cấp huyện có hạn chế về chuyên môn và phương tiện mà đã chẩn đoán gần như chính xác tình trạng bệnh của tôi rồi sơ cứu chuyển lên tuyến trên, thì một bác sĩ chuyên khoa II như bác sĩ Khôi, không thể kết luận ca bệnh của tôi khó chẩn đoán. Hơn nữa, trong quá trình thăm khám, người bệnh đã nói với bác sĩ về tình trạng bệnh, lý do chuyển viện, lời cảnh báo của bác sĩ tuyến dưới nghi tắc mạch nhằm hỗ trợ về thông tin ban đầu để bác sĩ định hướng khám bệnh”, bệnh nhân bức xúc.

Bởi những lý do trên thanh niên 27 tuổi đã làm đơn đề nghị bà Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét chỉ đạo Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM nghiêm túc nhìn nhận sai sót về chuyên môn trong quá trình khám chữa bệnh.

Đề nghị Bộ Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn với đầy đủ thành phần theo luật định, thu thập tất cả tài liệu bệnh án tại các bệnh viện có liên quan và bản tường trình của bác sĩ Khôi để làm rõ vụ việc, để đưa ra kết luận chính xác, khách quan, đúng pháp luật.  

Chiều 22/7, lãnh đạo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM đã có buổi trao đổi thông tin với báo chí. Tại buổi làm việc phía bệnh viện này đã thừa nhận sai sót và hứa sẽ có trách nhiệm với bệnh nhân.

Tại buổi hòa giải, ngày 25/7, gia đình anh Lâm phản bác kết luận của Sở Y tế TP HCM.

Một ngày sau đó, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh có văn bản gửi Sở Y tế TP HCM, yêu cầu khẩn trương xác minh làm rõ việc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình chẩn đoán sai, làm bệnh nhân Lâm buộc phải cưa chân.

 

Theo Zing


Ý kiến bạn đọc