Một quyết định điều chuyển và cơ hội sống của hàng nghìn bệnh nhân

08:50, 14/08/2016
|

(VnMedia) - Những ngày gần đây, thông tin Bộ Y Tế định điều chuyển Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trịnh Hồng Sơn (Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), Giám đốc trung tâm Điều phối tạng quốc gia từ bệnh viện Việt Đức sang bệnh viện Hữu Nghị khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Tôi chưa một lần được gặp bác sỹ Trịnh Hồng Sơn - người được mệnh danh là "bàn tay vàng" trong giới bác sỹ ngoại khoa tại Việt Nam. Lần đầu tiên tôi nghe nói về ông là khi ông thực hiện thành công ca ghép tạng mà người cho và người nhận ở hai đầu đất nước. Ấn tượng lần đó mạnh đến nỗi tôi tìm hiểu mọi thông tin về ông. Từ đó đến nay, tôi dõi theo ông như một hình mẫu để noi theo về sự say mê, cống hiến hết mình trong lao động.

“Anh (chị) có thể đăng ký hiến tạng không”?

Đó là câu cửa miệng được nhiều người biết đến của Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trịnh Hồng Sơn (Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), Giám đốc trung tâm Điều phối tạng quốc gia. Thói quen đó, theo chia sẻ của ông là được hình thành từ 2-3 năm nay, khi Bộ Y tế giao cho ông làm Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia.

Thực ra, ở các nước trên thế giới, những bác sĩ như ông chỉ thực hiện những công việc thuần chuyên môn, đó là đứng trong phòng mổ, tiến hành những ca mổ để cứu người. Còn việc đi vận động sẽ có một hệ thống chuyên trách, với những người được đào tạo bài bản cả về kiến thức y học lẫn tâm lý học. Họ được trả lương và làm việc rất chuyên nghiệp. Nhưng ở Việt Nam mình chưa làm được việc đó. Do đó trong khi chờ đợi, ông đã trực tiếp vận động tất cả những người ông gặp.

Ông chia sẻ, "Có thể sẽ có người nói cách mà tôi đang làm chưa chuyên nghiệp, chưa khoa học, nhưng trong hoàn cảnh điều kiện mà chúng ta đang có, tôi nghĩ mình không có nhiều sự lựa chọn. Và dù sao thì thà chúng ta cố gắng làm một điều gì đó, sẽ tốt hơn là chúng ta cứ ngồi chờ đợi trong vô vọng".

bác sĩ
Bác sĩ Trịnh Hồng Sơn (người trùm mũ) trong một cuộc họp báo về sự kiện lần đầu tiên thành công ghép tạng giữa người cho - nhận cách nhau hơn 1.700 cây số.

Ca ghép tạng đầu tiên của chúng ta là ghép thận năm 1992. Năm 2004 chúng ta ghép được gan. Năm 2010 chúng ta ghép được tim. Năm 2011 ghép được tụy. Nhưng đến giờ, chúng ta mới ghép được 13 ca tim, 37 ca gan. Một con số quá nhỏ so với con số khoảng 1.500 người có nguyện vọng ghép gan mỗi năm.

Nếu ai đã chứng kiến nhiều người nín thở theo dõi quá trình vận chuyển tạng và ghép tạng được báo chí đưa tin, rồi sau đó lại xúc động lặng người khi hai ca phẫu thuật ở hai đầu đất nước đều thành công, có lẽ mới trân quý hết giá trị câu cửa miệng mà nhiều người cho là "gàn dở" của ông.

Nếu ai đó đã từng chứng kiến những giọt nước mắt, cái siết tay thặt chặt của những người "trở về từ cõi chết" sau những ca phẫu thuật tiêu hoá mà ông thực hiện thành công khi mà hầu hết bác sỹ đều đã bó tay mới thấu hiểu giá trị mà ông đang đóng góp cho ngành ngoại khoa và cho đời.

Tín nhiệm cao,  quyết định điều chuyển và cơ hội sống của nhiều bệnh nhân

Những ngày gần đây, thông tin Bộ Y Tế định điều chuyển ông từ bệnh viện Việt Đức sang bệnh viện Hữu Nghị khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Trước khi nói đến quyết định điều chuyển, phải nói đến việc bỏ phiếu tín nhiệm liên quan tới công việc của ông ở bệnh viện Việt Đức. Có 2 người được bỏ phiếu, có 9 phiếu và ông là người được sự ủng hộ cao nhất. Những tưởng điều đó đã thể hiện tâm nguyện của tập thể cán bộ nhân viên bệnh viện Việt Đức trong việc mong muốn ông ở lại với họ, với nơi mà ông đã có hàng chục năm gắn bó thì dường như Bộ y tế lại nghĩ ngược lại. Quyết định điều chuyển ông được đưa ra sau khi nguyện vọng giữ ông ở lại được tập thể đồng nghiệp thể hiện qua mức tín nhiệm cao.

Trong bức tâm thư sau đó được ông gửi tới Bộ Y tế, ông tha thiết xin được ở lại nơi ông đã cống hiến từ ngày mới vào nghề và được tiếp tục có cơ hội làm tốt nhất các công việc ông vẫn đang thực hiện.

Cần nói thêm rằng, trong nghề y, dù là bác sỹ đầu ngành, dù là "cây kéo vàng" trong lĩnh vực ngoại khoa và ghép tạng thì thành công của mỗi ca mổ luôn là kết quả của một ekip. Ở đó, cần sự phối hợp nhịp nhàng, hiểu ý nhau trong từng hành động nhỏ mà sẽ chỉ có được khi họ đã có một quá trình làm việc đủ lâu. Đây có lẽ cũng là một trong nhứng lý do mà tập thể cán bộ và chính ông đều muốn ông tiếp tục ở lại Việt Đức.

Quyết định điều chuyển một bác sỹ đầu ngành ngoại khoa và ghép tạng không chỉ ảnh hưởng tới Bộ Y tế, tới các bệnh viện, cá nhân người được điều chuyển mà còn ảnh hưởng tới cơ hội sống của nhiều bệnh nhân. Mỗi người sẽ đều chỉ phát huy hết khả năng thế mạnh khi được sống trong môi trường thích hợp. Đưa cá biển thả về sông, không khác mấy so với việc bức tử. Do vậy, mong rằng quyết định sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở nguyện vọng của cá nhân và tập thể, để hiền tài mãi là nguyên khí quốc gia.

Mạnh Đạt


Ý kiến bạn đọc