Hội chứng "chuyến tàu vét" trước khi nghỉ hưu

14:30, 15/08/2016
|
“Chuyến tàu vét cuối cùng” có rất nhiều biểu hiện, như: tranh thủ vơ vét nhiều tài sản công, đất công, nhà công, rồi ký các dự án lớn để được hưởng phần trăm hay bổ nhiệm hàng loạt cán bộ khi chuẩn bị nghỉ hưu”.
 
Ông Lê Như Tiến
Ông Lê Như Tiến
 
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện với PV
 
“Đầu vào thì nát như tương. Đầu ra chất lượng tương đương đầu vào”
 
Khi vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh và một số vụ việc khác chưa qua thì mấy ngày gần đây lại xuất hiện một trường hợp tương tự là ông Vũ Đình Duy, từng điều hành doanh nghiệp nhà nước để thua lỗ nghìn tỷ vẫn được bổ nhiệm thăng tiến ở Bộ Công Thương. Ông thấy sao về hiện tượng này?
 
Ở Bộ Công Thương gần đây lùm xùm khá nhiều vụ việc nổi cộm. Trước hết là vụ ông Trịnh Xuân Thanh, ở một tổng công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã nợ đến 3.200 tỷ đồng lại được bổ nhiệm lên cấp cao hơn, sau khi về Bộ Công Thương rồi luân chuyển về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh như chúng ta đã biết. 
 
Tôi lại được nghe những lùm xùm về việc con trai ông Vũ Huy Hoàng được đưa về làm lãnh đạo Sabeco, sau đó đến việc bổ nhiệm trợ lý của ông Vũ Huy Hoàng. Bây giờ tôi lại được biết đến ông Vũ Đình Duy từ điều hành doanh nghiệp, để xảy ra thua lỗ 1.700 tỷ đồng nhưng vẫn được đưa về Bộ Công Thương ở cấp lãnh đạo cục…
 
Nếu xâu chuỗi lại toàn bộ câu chuyện, chúng ta đều thấy dường như tất cả những người có vấn đề ở doanh nghiệp, làm thất thoát tài sản Nhà nước lại được đưa về làm quản lý Nhà nước ở vị trí, chức vụ cao hơn. 
 
Điều này trái hoàn toàn với quy định của Nhà nước về đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Lâu nay chúng ta thường nói đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải chọn người có năng lực, có phẩm chất, nhưng tại sao để xảy ra thua lỗ, thất thoát lớn như vậy lại được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn? Hình như công tác đề bạt, bổ nhiệm luân chuyển cán bộ của chúng ta có vấn đề. 
 
Nhưng nhiều trường hợp bổ nhiệm, luân chuyển “có vấn đề” người ta vẫn khẳng định “đúng quy trình”?
 
Chúng ta cứ nói quy trình rất đầy đủ, nhưng vấn đề đặt ra là đầu vào của quy trình thế nào? Nói quy trình đầy đủ, nhưng quy trình ấy có phải hợp thức hóa cho đầu vào hay không? Quy trình có làm chặt chẽ bao nhiêu mà đầu vào kém chất lượng thì đầu ra cũng sẽ kém. Có người nói với tôi một cách ví von thế này: “Đầu vào thì nát như tương. Đầu ra chất lượng tương đương đầu vào”. Cũng giống như chuyện làm giò chả vậy, quy trình làm rất đúng, nhưng nếu nguyên liệu (đầu vào) là thịt ôi thiu, thì đương nhiên sản phẩm đầu ra chắc chắn sẽ là giò chả ôi thiu.
 
Vậy theo ông phải làm thế nào để quy trình đúng và vẫn có đầu ra chất lượng?
 
Muốn vậy chúng ta cần phải xem lại hai việc: Đầu vào đã đủ chất lượng chưa và quy trình ấy có nghiêm túc không, hay cũng chỉ là để hợp thức hóa? Điều này phải được nghiên cứu, cân nhắc, nếu quy trình chưa chuẩn cần xem lại, trên cơ sở đó sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho chuẩn. Ngoài ra cũng phải kiểm lại xem, tại sao rất đúng quy trình nhưng chất lượng đầu ra vẫn rất kém, kể cả công tác cán bộ và các công tác khác. Tại sao một Bộ như thế mà lại để rất nhiều vụ việc lùm xùm xảy ra?
 
Qua đây cũng cần phải xem lại trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Công Thương như thế nào, rồi trách nhiệm các cơ quan quản lý cấp cao hơn ra sao? Vì có những chức danh không chỉ cấp bộ mà phải qua cấp cao hơn, như từ cấp thứ trưởng, phó chủ tịch UBND tỉnh, phải có ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ.
 
Muôn kiểu “chuyến tàu vét cuối cùng”
 
Điều đáng chú ý khác quanh vụ việc của ông Vũ Đình Duy là việc bổ nhiệm từ Phó Cục trưởng về giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chỉ đúng một ngày trước khi ông Vũ Huy Hoàng rời nhiệm sở. Thực tế này gợi cho ông điều gì?
 
Nhân việc này tôi lại nhớ đến cách đây không lâu, trong một thời gian rất ngắn trước khi nghỉ hưu, ông Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền lúc đó cũng đã ký hàng loạt quyết định đề bạt, bổ nhiệm cán bộ từ cấp Cục trưởng, Cục phó, Giám đốc Trung tâm, rồi cán bộ cấp phòng. Đó là việc làm không bình thường mà tôi đã nói trên diễn đàn Quốc hội. Đó chính là “chuyến tàu vét cuối cùng” trước khi “hạ cánh”.
 
Cũng phải nói thêm rằng, “chuyến tàu vét cuối cùng” có rất nhiều biểu hiện, như tranh thủ vơ vét nhiều tài sản công, đất công, nhà công, rồi ký các dự án lớn để được hưởng phần trăm lớn… Bên cạnh đó, “chuyến tàu vét cuối cùng” còn được thể hiện qua việc tranh thủ bổ nhiệm hàng loạt cán bộ khi chuẩn bị nghỉ hưu. Còn đằng sau chuyện đề bạt, bổ nhiệm đó là cái gì, chắc chúng ta đều hiểu. 
 
Tôi đã đưa ra cảnh báo và đã đề nghị Chính phủ, trước khi nghỉ hưu trong một thời gian cố định, chẳng hạn từ 3 tháng, hay 6 tháng thì không được ký đề bạt bổ nhiệm, cất nhắc luân chuyển, hoặc không được ký những dự án lớn, cũng không được đi những chuyến đi nước ngoài. 
 
Không chỉ lùm xùm việc bổ nhiệm của ông Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ trước, rồi cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa qua mà tôi còn được biết ngay ở các địa phương cũng tranh thủ đề bạt, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cấp sở, cấp phòng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Theo tôi, cần phải có quy định thật chặt chẽ về vấn đề này.
 
Cảm ơn ông!
 
Theo Tiền Phong

Ý kiến bạn đọc