Chánh án Cấp cao tại Hà Nội nói về yêu cầu bồi thường 12 tỷ của cụ ông 80 tuổi

11:10, 16/08/2016
|
Trước việc gia đình cụ Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) đòi bồi thường oan sai, tổn thất tinh thần 12 tỷ đồng cho quãng thời gian 41 năm sống trong tủi nhục, ông Phạm Văn Hà - Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội (TAND Tối cao) - khẳng định cơ quan này sẽ tính toán, trao đổi với cơ quan liên quan để đi tới thống nhất mức bồi thường phù hợp.
 
Ông Trần Văn Thêm
Ông Trần Văn Thêm
 
Trả lời PV sáng 15/8, ông Phạm Văn Hà - Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội - cho biết cơ quan này chưa nhận được đơn yêu cầu bồi thường oan sai của gia đình cụ Trần Văn Thêm (80 tuổi, trú tại thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).
 
Theo ông Hà, một Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã được giao nhiệm vụ để trao đổi, thỏa thuận mức bồi thường oan sai, tổn thất tinh thần với người đại diện pháp của gia đình cụ Thêm.
 
Tuy vậy đến nay liên ngành tư pháp Trung ương chưa có quyết định chính thức nào về việc TAND Cấp cao tại Hà Nội (TAND Tối cao) sẽ là cơ quan duy nhất giải quyết việc bồi thường cho cụ Thêm hay phải có thêm trách nhiệm của một cơ quan khác nữa.
 
Lý giải điều này, ông Phạm Văn Hà phân tích, trước đây Hội đồng thẩm phán đã hủy bản án của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao (hiện nay là TAND Cấp cao tại Hà Nội - PV) để điều tra lại. Về mặt tố tụng, việc kéo dài thời gian điều tra, chứng minh tội phạm thực sự của vụ án không phải trách nhiệm của TAND Cấp cao tại Hà Nội. TAND Cấp cao tại Hà Nội chỉ chịu trách nhiệm từ giai đoạn bị Hội đồng thẩm phán tuyên hủy bản án để điều tra lại trở về trước, đến giai đoạn cụ Thêm bị bắt giam; giai đoạn cụ Thêm bị hàm oan tội giết người kéo dài hàng chục năm sau này thuộc trách nhiệm của cơ quan tư pháp khác.
 
“Nhưng dù TAND Cấp cao hay cơ quan nào khác phải giải quyết bồi thường thì đó cũng sẽ là tiền của nhà nước, của nhân dân nên cần phải rút kinh nghiệm với nhau. Quan điểm của tôi là giải quyết nhanh chóng để bồi thường cho người dân” - ông Hà nói.
 
Trong khi đó, phản ánh với PV Dân trí trưa 15/8, ông Nguyễn Văn Hoà - Phó Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi (người được gia đình cụ Trần Văn Thêm uỷ quyền tính toán các khoản cần bồi thường) - cho biết đã chính thức gửi văn bản tới TAND Tối cao, Bộ Công an và VKSND Tối cao để yêu cầu bồi thường oan sai số tiền 12 tỷ đồng.
 
Khoản bồi thường 12 tỷ đồng được đưa ra dựa trên tính thời gian từ khi cụ Thêm bị bắt giam, ở tù đến khi tại ngoại là 41 năm: Cụ Thêm bị giam giữ, thụ án ở trại Phủ Đức (Phú Thọ) từ ngày 23/7/1970 đến ngày được ra khỏi trại 30/2/1976 là 5 năm 7 tháng tương đương 2.010 ngày; thời gian cụ Thêm được tha tù, tại ngoại song vẫn mang thân phận tử tù tính từ tháng 2/1976 đến ngày 10/8/2016 (ngày được đình chỉ điều tra) là 14.530 ngày.
 
Như vậy, với 2.010 ngày bị bắt giam, đi tù oan thì số tiền cụ Thêm có thể nhận được là 280 triệu đồng và tổn hại về tinh thần khoảng 850 triệu đồng. Tổng cộng số tiền đòi bồi thường của giai đoạn cụ Thêm bị bắt ở tù trên 1,1 tỷ đồng.
 
Sau khi được tha tù, cụ Thêm phải sống trong cảnh sức khỏe yếu, gia đình nuôi dưỡng và bị hàm oan tội giết người 14.530 ngày thì số tiền bồi thường gần 2,1 tỷ đồng; bồi thường thiệt hại cho người phục vụ tương ứng cho quãng thời gian này trên 2 tỷ đồng. Số tiền để bồi thường về tổn thất tinh thần được đề xuất trên 6,1 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, vì gia đình cụ Thêm không lưu giữ các loại hóa đơn, chứng từ, giấy tờ trong suốt quá trình 41 năm kêu oan nên khoản này được đề xuất bồi thường khoảng 800 triệu đồng.
 
Trước đó, trả lời PV Dân trí, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho rằng việc bồi thường oan sai cho cụ Trần Văn Thêm sẽ được tiến hành dựa trên đơn yêu cầu giải quyết bồi thường của gia đình cụ. Sau đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội và gia đình cụ Thêm sẽ tiến hành trao đổi, tính toán và thỏa thuận để “chốt” về số tiền bồi thường.
 
“Khi gia đình cụ Thêm có đơn thì chắc chắn TAND Tối cao sẽ yêu cầu Toà cấp cao tại Hà Nội phải giải quyết sớm bởi vụ việc đã để quá lâu rồi. Phải khẩn trương giải quyết bồi thường cho người ta bởi cụ Thêm cũng đã quá già rồi"- ông Nguyễn Sơn nói.
 
Theo nội dung vụ việc, năm 1970, cụ Trần Văn Thêm khi đó 34 tuổi cùng người em họ tên Nguyên Khắc Văn ghé vào ngủ ở lều cắt tóc. Nửa đêm, hung thủ xông vào dùng búa bổ củi đánh ông Văn tử vong. Cụ Thêm sau đó bị kết tội là hung thủ giết người.
 
Năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú (sau này tách ra thành Phú Thọ và Vĩnh Phúc) đưa ra xét xử và kết tội cụ Thêm mức án tử hình. Không đồng ý với bản án, cụ Thêm kêu oan. Đến năm 1974, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình.
 
Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.
 
Sau khi được tạm tha, cụ Trần Văn Thêm đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng.
 
Đến năm 2015, TAND Tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan do cụ Thêm và luật sư trợ giúp cho cụ cung cấp. Từ đó, các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét, xác định cụ Trần Văn Thêm không thực hiện hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn năm 1970.
 
Theo Dân trí
 

Ý kiến bạn đọc