(VnMedia) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá toàn diện an toàn của cầu Việt Trì cũ, xây dựng phương án lưu thông trên cầu cũ đảm bảo an toàn cho cầu, thuận lợi cho người dân.
Chiều 11/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc về bức xúc của người dân liên quan đến dự án BOT cầu Hạc Trì.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng tuy cầu Việt Trì đã góp phần quan trọng cải thiện hệ thống giao thông trên Quốc Lộ 2, kết nối các tỉnh phía bắc; phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực vận tải cả đường sắt, đường bộ, tạo ra bộ mặt mới cho địa phương, nhưng trong quá trình khai thác sử dụng, xe quá khổ, quá tải làm ảnh hưởng đến chất lượng cầu, đặc biệt là mặt cầu; bên cạnh đó, mặt cầu nhỏ, dễ dẫn đến ách tắc khi lưu lượng giao thông cao.
Cầu Việt Trì |
Trước những bức xúc của người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc cần quan tâm một cách nghiêm túc việc giải quyết quan hệ giữa phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội, đời sống của người dân. Theo Phó Thủ tướng, nếu giải quyết không tốt, chắc chắn sẽ dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông và an ninh xã hội.
Từ đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá toàn diện an toàn của cầu Việt Trì cũ, xây dựng phương án lưu thông trên cầu cũ đảm bảo an toàn cho cầu, thuận lợi cho người dân; Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất phương án giá phí phù hợp trên cơ sở tính toán tổng thể lại chi phí đầu tư xây dựng công trình nhằm đảm bảo thời gian thu hồi vốn, đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Về cầu Hạc Trì, báo cáo Phó Thủ tướng, đại diện tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khi thực hiện phương án phân luồng trên, người dân phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc chưa đồng thuận. Nguyên Nhân là do mức phí để đi qua cầu Hạc Trì bị cho là cao (thấp nhất là 35.000đ/ lượt) và việc di chuyển qua cầu Hạc Trì khiến quãng đường dài hơn từ 3 - 5 km.
Trạm thu phí cầu Hạc Trì |
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá cao việc báo chí đã kịp thời phản ánh bức xúc của người dân liên quan đến dự án BOT cầu Hạc Trì, đồng thời đề nghị báo chí tiếp tục thông tin một cách nhanh nhạy, chính xác, trách nhiệm hơn trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước tập trung thực hiện khâu đột phá chiến lược trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thời gian qua, hạ tầng đường bộ, sân bay, cảng biển đã phát triển rất mạnh góp phần quan trọng nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo dịch vụ hậu cần cho nền kinh tế.
Bên cạnh những mặt tích cực, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng có một số dự án BOT còn để lại bức xúc trong dư luận, người dân, trong đó chủ yếu là mức phí cao và việc người dân, đặc biệt là người lao động nghèo ít sự lựa chọn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ TC, UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất phương án giá phí qua cầu Hạc Trì trên cơ sở tính toán tổng thể lại chi phí đầu tư xây dựng công trình để từ đó có phương án phù hợp nhằm đảm bảo thời gian thu hồi vốn, đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc huy động nguồn lực từ xã hội, trong đó có hình thức BOT không phải là mới, và không phải dự án BOT nào người dân cũng có ý kiến. Có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản như hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư BOT chậm được hoàn thiện; còn hạn chế về năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, đặc biệt là về BOT; bên cạnh đó còn có sự chủ quan, hạn chế về năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia đầu tư BOT, việc nhà đầu tư chưa chủ động tiếp thu ý kiến, giải thích thắc mắc của người dân.
Từ những phân tích nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, tiếp tục rà soát để có báo cáo Chính phủ về BOT toàn diện, sâu sắc hơn để có ý kiến chính thức, báo cáo Quốc hội và nhân dân cả nước.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng để hiện thực chiến lược đột phá trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hình thức hợp tác công – tư (PPP) sẽ là trọng tâm, mà hình thức hợp tác BOT sẽ vẫn là một trong những hướng chính.
Trước đó, tối ngày 17/6 nhiều người dân đã kéo đến trạm thu phí cầu Hạc Trì, ngăn không cho xe qua trạm để phản đối việc cấm xe ô tô qua cầu Việt Trì cũ. Việc cắm biển báo cấm xe ô tô đi qua cầu Việt Trì cũ được Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) giao Cục Quản lý Đường bộ I thực hiện sau khi cầu Hạc Trì hoàn thành, đưa vào khai thác.
Ý kiến bạn đọc